Hà Nội thu hồi 741ha để xây dựng đường Vành đai 4

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Qua tính toán, diện tích đất cần giải phóng mặt bằng để đầu tư, xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khoảng 1.340ha, trong đó Hà Nội sẽ thu hồi khoảng 741ha tại địa bàn 7 quận, huyện.

Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội thu hồi 741ha để xây dựng đường Vành đai 4 - 1

Hình ảnh đường Vành đai 4 đi qua địa bàn 7 quận, huyện Hà Nội (Ảnh: UBND TP Hà Nội).

Động thái này được coi là sự thể hiện về quyết tâm chính trị, tinh thần chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền 3 địa phương (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), tất cả vì thành công của dự án, vì sự phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, tiến độ thực hiện công tác GPMB, tái định cư luôn là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với dự án có khối lượng lớn và có nhiều điểm đặc thù như Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

"Công tác GPMB, tái định cư là vô cùng quan trọng, có thể nói đây chính là chìa khóa quyết định sự thành công của dự án" - ông Dũng nhấn mạnh.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch phối hợp của 3 địa phương để triển khai dự án.

Mỗi tỉnh, thành đều đã ban hành kế hoạch của địa phương để triển khai thực hiện; trong đó, đã thống nhất xác định phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Hà Nội thu hồi 741ha để xây dựng đường Vành đai 4 - 2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội và lãnh đạo các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh ký giao ước thi đua (Ảnh: Trọng Toàn).

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, qua tính toán, diện tích đất cần GPMB là rất lớn. Cụ thể, tổng diện tích đất cần thu hồi để triển khai dự án là 1.341ha, trong đó: Hà Nội cần thu hồi khoảng 741ha tại địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín).

Tỉnh Bắc Ninh cần thu hồi khoảng 326ha tại địa bàn của 4 huyện, thành phố (Thuận Thành, Quế Võ, TP Bắc Ninh, Gia Bình). Riêng tỉnh Hưng Yên cần thu hồi khoảng 274ha tại địa bàn của 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu; Yên Mỹ, Văn Lâm).

"Thay mặt Ban chỉ đạo triển khai dự án, tôi kêu gọi mọi người ra sức thi đua lập thành tích đẩy nhanh tiến độ GPMB trên địa bàn của từng địa phương, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng, tuân thủ các quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí" - ông Dũng bày tỏ.

Nhất trí cao với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Bắc Ninh xác định đây là một dự án trọng điểm quốc gia nên đã thành lập Ban Chỉ đạo, do trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.

"Qua rà soát trên địa bàn tỉnh có một số khó khăn, trong đó có một số khu vực lịch sử đất đai phức tạp, tới đây Tỉnh ủy sẽ có hội nghị chuyên đề về dự án này, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận cao đối với dự án, hạn chế thấp nhất đơn thư và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh" - Bí thư Bắc Ninh cho hay.

Đối với địa bàn tỉnh Hưng Yên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, việc ký giao ước thi đua là một hoạt động rất thiết thực, mở đầu cho một chuỗi hoạt động liên quan đến công tác triển khai của dự án và cam kết Hưng Yên sẽ triển khai công tác GPMB đúng tiến độ.

 Tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô dài 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) đi qua 3 tỉnh thành, trong đó đoạn qua Hà Nội dài 58,2km.

Trước đó, Thành ủy Hà Nội có chỉ thị yêu cầu gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án đường Vành đai 4.

Ngoài ra, ngày 29/9, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội cũng đã được thành lập do Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm trưởng đoàn.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật, đúng tiến độ đã đề ra.