Hà Nội thông qua 15 nghị quyết

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua 16 báo cáo và 15 nghị quyết, là các cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế và đề xuất những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2022.

Hà Nội thông qua 15 nghị quyết - 1

Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết (Ảnh: Nguyễn Hợp).

Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND TP và báo cáo giải trình, bổ sung của UBND TP, HĐND TP đã biểu quyết thông qua nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2022 với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

"HĐND TP đã thông qua 16 báo cáo và 15 nghị quyết (trong đó có 1 nghị quyết thường kỳ và 14 nghị quyết chuyên đề quan trọng). Đây là những cơ chế, chính sách là cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố" - ông Tuấn khẳng định.

Lãnh đạo HĐND TP cho biết thêm, một trong những nội dung quan trọng khác của kỳ họp này là thảo luận, cho ý kiến đối với đề án Phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương. Theo ông, đây là nội dung lớn, quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của thành phố, các quận, huyện, thị xã và đang được thành phố rất quan tâm, tập trung chỉ đạo.

HĐND TP cũng xem xét, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, thẳng thắn và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.

Tại phiên bế mạc sáng 8/7, thay mặt HĐND TP, ông Tuấn đề nghị UBND TP, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tổ chức triển khai, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

Hà Nội thông qua 15 nghị quyết - 2

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc kỳ họp vào sáng 8/7 (Ảnh: Nguyễn Hợp).

Phát triển mới khoảng 5,55 triệu m2 sàn nhà ở xã hội

Cũng tại kỳ họp, 100% đại biểu có mặt đã tán thành thông qua Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Nghị quyết đưa ra mục tiêu phát triển nhà ở, đến năm 2025 bảo đảm chỗ ở ổn định cho công nhân và phát triển nhà ở công nhân gắn liền với trách nhiệm của người sử dụng lao động, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, chính quyền địa phương và các tổ chức công đoàn; quy định nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.

Nghị quyết cũng đưa mục tiêu đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 32m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 33m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người.

Về nhà ở xã hội, sẽ phát triển mới khoảng 5,55 triệu m2 sàn nhà ở; triển khai đầu tư xây dựng 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và chuẩn bị đầu tư đối với các khu còn lại. Phấn đấu 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.

Về nhà ở tái định cư, sẽ phát triển mới khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở; nhà ở thương mại, sẽ phát triển mới khoảng 15,19 triệu m2 sàn nhà ở và nhà ở riêng lẻ sẽ phát triển mới khoảng 22,5 triệu m2 sàn (khoảng 4,5 triệu m2 sàn/năm)...

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do HĐND TP Hà Nội bầu

Bên cạnh đó, các đại biểu đã thông qua Chương trình giám sát của HĐND TP Hà Nội năm 2023.

Theo đó, HĐND TP giám sát tại các kỳ họp về các nội dung: Xem xét báo cáo của UBND TP về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước 6 tháng và cả năm 2023 của TP; các báo cáo công tác của Thường trực HĐND TP, UBND, TAND, Viện KSND, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các báo cáo khác theo quy định của Luật.

Trong chương trình giám sát sẽ có nội dung chất vấn Chủ tịch UBND TP, thành viên khác của UBND TP, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân TP, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND TP và cá nhân liên quan đến vấn đề thuộc trách nhiệm của mình; lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND TP bầu theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…