1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội tăng giá nước sạch từ ngày 1/7, chất lượng nước sẽ thế nào?

Hà Mỹ

(Dân trí) - Đó là băn khoăn của PGS.TS Bùi Thị An tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quyết định của UBND TP Hà Nội, về việc điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn.

Chiều 29/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quyết định của UBND thành phố, về việc điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn. Hội nghị diễn ra trước hai ngày quyết định có hiệu lực (ngày 1/7). 

Theo dự thảo, từ ngày 1/7, giá bán lẻ nước sạch cho hộ dân cư ở Hà Nội là 7.500 đồng/m3 cho 10m3 nước đầu tiên sử dụng. Từ 10m3 đến 20m3, giá bán là 8.800 đồng/m3 và tăng dần ở các mốc 20-30m3, trên 30m3. 

Dự thảo cũng quy định giá bán nước sạch cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp phục vụ mục đích công công và hoạt động sản xuất vật chất dao động 12.000-15.000 đồng/m3. Riêng với cơ sở kinh doanh dịch vụ, mức giá mới cho một m3 nước là 27.000 đồng. 

Tăng giá thì chất lượng cũng phải tăng

Tham gia phản biện tại hội nghị, TS Bùi Thị An, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, cho biết bà đồng ý việc phân đối tượng để tính giá nước. Nhưng thành phố cần lưu ý những gia đình nghèo sống đông thành viên mà dùng hơn 10m3 nước, đối tượng này có nên tăng giá theo lũy kế như dự thảo quy định hay không?

Cùng với đó, bà An nhấn mạnh việc giá nước tăng nhưng phải đảm bảo về chất lượng. Bà đề nghị Hà Nội có báo cáo về chất lượng nước ở các khu đô thị trong thời gian qua vì giá nước sinh hoạt tăng thì phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn.

"Dân đi mua gà ri chứ không phải mua gà công nghiệp, nhìn hình thức hai con giống nhau nhưng bản chất khác nhau và giá cũng khác nhau. Ở đây tôi muốn nói rằng dân sẽ đồng thuận tăng giá nếu chất lượng đảm bảo", bà An nói. 

Hà Nội tăng giá nước sạch từ ngày 1/7, chất lượng nước sẽ thế nào? - 1

Dự kiến giá nước sạch của Hà Nội sau khi điều chỉnh từ ngày 1/7 (Ảnh chụp màn hình).

Bà An đặt câu hỏi khi vỡ đường ống nước nhiều lần thì ai đền bù cho dân và cho rằng UBND Hà Nội cần làm rõ, vì nếu không sẽ có sự thiếu bình đẳng giữa người mua và người bán. 

Nguyên đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội đánh giá về công nghệ và thiết bị đường ống dẫn nước hiện nay của thành phố. Trong đó, phải cho kiểm tra các công ty cấp nước xem công nghệ đến đâu, lạc hậu hay hiện đại vì việc này liên quan đến chất lượng nước, từ đó liên quan đến giá.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, quan tâm đến việc thành phố chưa có báo cáo đánh giá tác động của việc tăng giá nước sạch và băn khoăn việc giá bán lẻ chênh 3 lần so với giá bán buôn. Ông cho rằng Hà Nội cần căn cứ giá thành của từng đơn vị sản xuất, rồi từ đó tính giá phân phối. 

Ông Dĩnh nêu quan điểm "tăng giá nước sạch là chủ trương đúng và phù hợp" nhưng cần tính toán xem nên tăng bao nhiêu. 

"Đừng nghĩ tăng lên ít thì không ảnh hưởng. Ví dụ một hộ gia đình có thể tiêu thụ tiền nước 300.000-400.000 đồng/tháng, nhưng với cơ quan xí nghiệp thì khoản tăng lên rất lớn, có thể tác động đến sản xuất kinh doanh. Trong khi nước cũng là mặt hàng nhạy cảm chỉ sau xăng dầu thôi, nên cần tính toán", ông Dĩnh nói. 

Đề nghị cân nhắc thời gian tăng giá nước sạch

Đại diện cho cơ quan cung cấp nước sạch tham gia góp ý kiến, ông Trần Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nước sạch Hà Nội cho rằng phương án tăng giá nước đã tính đến yếu tố đảm bảo cho việc cung ứng sản xuất nước sạch và hài hòa cho người tiêu dùng.

Theo ông Hùng, các mức giá đã được phân loại cho từng đối tượng và có mức giá ưu tiên cho gia đình chính sách, gia đình nghèo, cận nghèo. Theo thống kê tại Hà Nội, số hộ sử dụng nước sinh hoạt dưới 10m3/tháng chiếm 31%, dùng 10-20m3 chiếm 59%, dùng từ 20m3 và 30m3 trở lên đều chiếm 5%. 

Ông Hùng cũng cho rằng dự thảo quy định giá bán lẻ đồng nhất trên toàn thành phố không phân biệt ngoại thành và nội thành là hợp lý. Bởi lẽ, mức giá còn phụ thuộc vào sự điều tiết để đảm bảo chi phí phân phối, mật độ dân cư, suất đầu tư cho các khu vực, nhất là với các vùng hiện khó khăn về cơ sở. 

Hà Nội tăng giá nước sạch từ ngày 1/7, chất lượng nước sẽ thế nào? - 2

Giám đốc Công ty TNHH Nước sạch Hà Nội phát biểu ý kiến tại hội nghị (Ảnh: M.Hà).

Đại diện công ty nước sạch khẳng định sau khi dự thảo điều chỉnh giá nước sạch được thông qua, công ty cấp nước sẽ khắc phục được những khó khăn, đổi mới công nghệ và phát triển hệ thống cấp nước. Từ đó chất lượng nước được nâng cao, đảm bảo việc cấp nước ổn định đến người tiêu dùng trong quá trình vận chuyển mạng lưới lưu thông. 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu cũng cho rằng việc Hà Nội điều chỉnh tăng giá nước sạch sau 10 năm là hợp lý, nhưng cần cân nhắc lại thời điểm tăng từ ngày 1/7.

Đồng thời, có ý kiến cho rằng thành phố cần xem xét thêm tác động của chính sách với đối tượng là người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp đang sống trong các nhà ở xã hội.