Bí thư Hà Nội: Xây dựng nhà ở xã hội phải làm thế nào "ra tấm ra miếng"
(Dân trí) - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh chủ trương của thành phố là cơ bản xã hội hóa công trình hạ tầng quanh các khu nhà ở tập trung; tạo điều kiện giảm tối đa chi phí đầu tư hạ tầng để hạ giá nhà ở xã hội.
Sáng 29/6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 6 tiếp xúc cử tri các huyện Thanh Oai, Thanh Trì và quận Hà Đông, báo cáo kết quả kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV.
Tại đây, cử tri nêu nhiều kiến nghị về các vấn đề nóng như ô nhiễm sông Đáy, sông Nhuệ; nhiều nơi thiếu nước sạch, dự án đường sắt đô thị Ngọc Hồi, quy hoạch nhà ở xã hội...
Nói về vấn đề nhà ở xã hội được cử tri đề cập, Bí thư Hà Nội cho biết cử tri đề cập về việc các dự án nhà ở thương mại phải đảm bảo dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội là chính xác. Hiện, thành phố đã báo cáo với Chính phủ để triển khai 5 khu nhà ở xã hội tập trung.
Theo ông Dũng, quá trình xây dựng nhà ở xã hội vẫn phải đảm bảo chất lượng, đầy đủ yêu cầu hạ tầng, kỹ thuật, đảm bảo cảnh quan.
"Như vừa qua, nhìn vào sẽ thấy nhà thương mại và nhà xã hội có vẻ chất lượng khác nhau. Cứ "xôi đỗ" như thế rồi sau vài chục năm sau thành nhà ổ chuột hay chung cư cũ thì không ổn", Bí thư Hà Nội nói.
Vì vậy, ông cho rằng vấn đề quan trọng khi xây dựng nhà ở xã hội là phải làm thế nào "ra tấm ra miếng". Trong đó, chủ trương của Hà Nội là với khu nhà ở xã hội tập trung, thành phố cơ bản xã hội hóa công trình hạ tầng, trường học, tạo điều kiện giảm tối đa chi phí để hạ giá nhà ở xã hội.
Về vấn đề nhiều huyện ngoại thành thiếu nước sạch, người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cho biết công suất sản xuất hiện đạt 1,5 triệu m3/ngày đêm với 50% nước mặt và 50% nước ngầm. Nhưng chủ trương chung của thành phố là thu hẹp khai thác nước mặt để tăng hiệu quả sử dụng nước ngầm.
Ông Dũng cho rằng "rất đau xót" khi khu vực Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, là vùng thoát lũ và xả lũ mà người dân lại không có nước sạch để dùng, thiếu cả nước sản xuất.
"Đây là điểm rất trăn trở với lãnh đạo thành phố, thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ, Hà Nội cũng đã có những quyết sách như mua nước ở các tỉnh xung quanh để đấu dần vào. Chúng tôi đang yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo sở ngành báo cáo tổng hợp toàn diện tình hình nước sạch, từ quy hoạch, phát triển nguồn đến khả năng cung ứng", Bí thư Hà Nội cho biết.
Cũng theo ông Dũng, giá nước sạch là vấn đề hệ trọng vì mỗi nhà máy nước sản xuất một giá. Trong khi đó, Hà Nội phát triển theo mạng lưới nên giá đầu ra phải bằng nhau, tương tự như giá điện.
Vì vậy, Bí thư Hà Nội cho rằng giá nước sạch là bài toán vừa khó khăn, vừa phức tạp vì phải đảm bảo công bằng, giải quyết được nhu cầu người dân nhưng cũng phải làm sao để còn thu hút được đầu tư.
Cùng với đó, ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và sông Đáy cũng được coi là "vấn đề đại sự". Ông Dũng cho biết ngay cả trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng chất vấn rất nhiều về vấn đề này.
Ngoài trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Hà Nội cho rằng thành phố phải từng bước làm, phân tích nguồn ô nhiễm và có nhiều giải pháp khác để cải thiện.
"Về lâu dài, giải pháp mấu chốt là thành phố phải tách được nước thải với nước mặt, đầu tư hệ thống gom nước thải để xử lý không cho chảy vào các sông và có các trạm bơm tiếp nước vào để thau rửa. Tuy nhiên, vốn đầu tư để làm việc này rất lớn nên thành phố sẽ cân đối để thực hiện", Bí thư Đinh Tiến Dũng nói.