1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội quy định ở 15m2 mới được đăng ký thường trú: Lo người dân gặp khó

Hà Mỹ

(Dân trí) - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ sự phù hợp khi quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú khu vực nội thành là 15m2 sàn/người.

Nội dung trên có trong thông báo phản biện xã hội của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội, liên quan dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú. 

Theo dự thảo này, điều kiện để người dân đang có nhà đi thuê, mượn, ở nhờ được đăng ký thường trú ở khu vực nội thành Hà Nội là đảm bảo diện tích tối thiểu 15m2 sàn/người và ngoại thành là 8m2 sàn/người. 

Sau quá trình lấy ý kiến của chuyên gia và người dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá tác động chính sách sau khi được ban hành, làm rõ thêm mục đích, nguyên nhân ban hành Nghị quyết để đảm bảo dự thảo được thông qua tại kỳ họp HĐND thành phố vào tháng 7 tới.

Dự thảo cũng cần bổ sung các đối tượng đang có nhà đi thuê, mượn, ở nhờ được chủ sở hữu nhà ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú cùng gia đình chủ sở hữu.

Đồng thời, làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết này, tránh tình trạng chung chung gây khó hiểu cho người thực hiện.

Hà Nội quy định ở 15m2 mới được đăng ký thường trú: Lo người dân gặp khó - 1

Ở Hà Nội, nhiều gia đình công nhân 3-4 người đang ở trong những căn nhà trọ rộng 15-18m2 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Ngoài ra, các ý kiến góp ý đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ mức diện tích nhà ở tối thiểu của khu vực nội thành là 15m2 sàn/người đã phù hợp chưa.

"Trong đó cân nhắc tới các khu vực: nhà thuê tại các khu công  nghiệp, ký túc xá cho sinh viên... nếu áp dụng các quy định này sẽ gây khó khăn cho người dân khi đăng ký thường trú, tạm trú", văn bản phản biện của MTTQ TP Hà Nội nêu rõ. 

Quá trình thực hiện, UBND Hà Nội cần rà soát, đánh giá tác động và báo cáo HĐND thành phố để xem xét điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp theo thực tế phát triển của thủ đô.

Hà Nội cũng cần nghiên cứu quy định diện tích nhà ở tối thiểu đối với mô hình của thành phố phát triển trong thời gian tới như đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thủ đô và các huyện sắp lên quận.

Trước đó tại Hội thảo góp ý về dự thảo Nghị quyết ngày 14/6, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nghị quyết này cần thiết và cần sớm được ban hành, nhưng mới chỉ là một trong rất nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Trong khi đó, dự thảo còn một số nội dung chưa rõ ràng, cần có độ "mở" hơn và cần được nghiên cứu đánh giá tác động một cách toàn diện vấn đề dân số để có thể đưa vào thực tiễn.

Về mục tiêu khi ban hành nghị quyết trên, UBND Hà Nội cho biết tình trạng dân số cơ học tiếp tục tăng nhanh cả ở nội và ngoại thành, nhất là khu vực nội đô lịch sử, gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội, môi trường trên địa bàn thủ đô.

Hơn nữa, thời hạn áp dụng Nghị quyết 11 đã kết thúc vào ngày 31/12/2020, nên đòi hỏi cấp thiết ban hành nghị quyết mới quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để đảm bảo việc thực thi Luật Cư trú 2020 có hiệu quả.