Chủ tịch Trần Sỹ Thanh: Cần tính xem khi nào Hà Nội lên 15-17 triệu dân
(Dân trí) - Với tốc độ mỗi năm tăng 100.000 học sinh các cấp chưa kể sinh viên, Chủ tịch UBND Hà Nội cho rằng cần tính toán thành phố "chịu" được bao nhiêu triệu dân và khi nào dân số vượt 15-17 triệu người.
Chiều 28/6, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh và Sóc Sơn.
Tại đây, cử tri đề nghị thành phố giải quyết dứt điểm 3 vấn đề liên quan đến khu công nghiệp Quang Minh đã kiến nghị nhiều năm. Đó là đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng thoát nước; đầu tư dự án nhà ở công nhân và đầu tư dự án hồ điều hòa thuộc thị trấn Chi Đông và Quang Minh...
Trả lời, Chủ tịch Hà Nội cho biết đây là khu công nghiệp có đường sá dân sinh lấn qua, rất khó để quản trị và quản lý; đồng thời còn là khu công nghiệp "mở" vì không có hàng rào. Hồ điều hòa ở khu vực cũng đang trong quá trình triển khai nhưng vẫn rất chậm, toàn bộ đường gom lụt lội khi mưa lớn.
Ông Thanh đề nghị lãnh đạo huyện Mê Linh "sát sao từng việc một, khó đâu báo cáo thành phố, khó nữa thì báo cáo thẳng Chủ tịch để giải quyết".
Về các vấn đề ở trường mầm non được cử tri đặt ra, Chủ tịch Hà Nội cho biết tháng 7 tới, HĐND thành phố sẽ họp và thông qua giá đặt hàng cho một số dịch vụ công, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Ông lấy ví dụ trường hợp "cô nuôi" ở mầm non, thành phố cũng có thể tính toán để thuê bằng hợp đồng khoán.
Lãnh đạo Hà Nội đề nghị huyện Mê Linh thí điểm xác định đơn giá định mức cho các dịch vụ trên, trong đó xác định phần Nhà nước phải trả, còn lại phụ huynh sẽ tự chi trả nếu có nhu cầu cao hơn định mức. Ông Thanh cho rằng việc này sẽ kích thích được chất lượng giáo dục cao hơn, xã hội hoạt động sôi động hơn.
"Vừa rồi tính giá cho các loại dịch vụ công như điện, nước, rác hay kể cả giáo dục, Hà Nội khẳng định thành phố thu ở mức thấp nhất trong quy định Nhà nước, toàn mức sàn và thấp hơn các đơn vị xung quanh, trong khi chi thì cái gì cũng ở mức cao nhất", ông Thanh nói và cho biết khoảng trống giữa mức thấp nhất và cao nhất này do ngân sách bù vào.
Chủ tịch Hà Nội dẫn ví dụ các dịch vụ như rác, nước không có sự điều chỉnh giá từ năm 2013 đến nay, "đầu vào là thị trường, còn giá ra là bao cấp".
Theo ông Thanh, mỗi năm Hà Nội tăng thêm 100.000 học sinh các cấp, chưa kể sinh viên ở các nơi đổ về. Đây mới chỉ là con số tăng tự nhiên, tăng cơ học và đi cùng với 100.000 học sinh này còn là cha mẹ, anh chị em, ông bà...
Ông lo ngại với tốc độ này mà không có quy định về hộ khẩu, cư trú thì mốc Hà Nội lên 17 triệu dân rất nhanh. Lúc này, sẽ cần tính toán xem thành phố "chịu" được bao nhiêu triệu dân. Đây là bài toán vô cùng khó để quản trị xã hội.
"Đương nhiên, Hà Nội phải có giáo dục và y tế ở mức rất tốt nên mới thu hút người dân tự đến ở. Vậy nếu tất cả thứ khác tốt nữa thì không biết thế nào. Mong cử tri hiến kế, chúng ta cùng nhau dự báo xem bao giờ Hà Nội lên 15-17 triệu dân, thậm chí 20 triệu dân", theo Chủ tịch Hà Nội.