1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hà Nội sẽ xây cầu đường sắt cách cầu Long Biên 75m?

(Dân trí) - Đa số nhà khoa học thống nhất phương án xây cầu đường sắt số 1 vượt sông Hồng cách tim cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu. Lý do lựa chọn phương án đó ngoài việc ít tác động đến kiến trúc cầu Long Biên thì chi phí giải phóng mặt bằng cũng thấp.

Ngày 28/10, Bộ GTVT cùng UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức hội thảo phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng. Ông Phạm Hữu Sơn - Tổng giám đốc TEDI (Bộ GTVT) đưa ra ba phương án xây cầu đường sắt vượt sông Hồng ở các vị trí cách cầu Long Biên 30m, 75m và 186m.

Nhà sử học Phan Huy Lê cùng nhiều chuyên gia ủng hộ phương án xây cầu mới cách cầu cũ 75m
Nhà sử học Phan Huy Lê cùng nhiều chuyên gia ủng hộ phương án xây cầu mới cách cầu cũ 75m

Ông Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, khi đã xác định giá trị của cầu Long Biên thì không nên động chạm gì đến cây cầu này nữa mà phải chuyển đường sắt ra vị trí mới. Phân tích các phương án của TEDI đưa ra, ông Long hoàn toàn đồng thuận với nguyên tắc bảo tồn và phát triển cầu Long Biên, chuyển cầu đường sắt đô thị về phía thượng lưu.

“Phương án bảo tồn cầu Long Biên đã được thống nhất từ trên xuống dưới nên không phải bàn thêm. Còn phương án xây cầu đường sắt vượt sông Hồng ở vị trí cách cầu Long Biên 186m do Hà Nội chỉ đạo trước đây tôi thấy có vẻ hợp lý, còn phương án mới xây cách 75m phải làm rõ được việc chiếm dụng đường Hàng Đậu - ảnh hưởng đến giao thông sau này”, ông Long nói.

Nhà sử học Phan Huy Lê hoàn toàn nhất trí với việc bảo tồn cầu Long Biên và khu vực phố cổ của quận Hoàn Kiếm. Căn cứ vào đó ông Lê cho rằng phương án một (cách cầu cũ 30m) cần phải loại trừ ngày từ đầu vì nó hoàn toàn vi phạm đến cầu Long Biên và khu phố cổ.

“Phương án hai và phương án ba, đều đáp ứng việc bảo tồn di sản. Tuy nhiên, theo phân tích của đơn vị tư vấn, thì phương án cách cầu Long Biên 75 mét là ưu tiên hơn cả”, nhà sử học Phan Huy Lê nêu quan điểm.

Tại hội thảo, nhà sử học Phan Huy Lê cũng đưa ra nhận xét rằng các cây cầu bắc qua sông Hồng khu vực Hà Nội hiện nay đều không có giá trị nghệ thuật. Vì vậy, nó không tương xứng với vùng đất có truyền thống văn hóa lịch sử nơi đây. Do vậy, nhà sử học lưu ý cây cầu đường sắt bắc qua sông Hồng thời gian tới phải lưu ý đến vấn đề này.

Theo Giáo sư Lã Ngọc Khuê với hiện trạng hiện nay của cầu Long Biên và khu vực phố cổ thì việc tìm ra phương án tối ưu để làm cầu đường sắt vượt sông Hồng là rất khó khăn. “Nếu chúng ta càng bàn thì quá trình xây dựng đường sắt càng chậm. Do vậy, tôi đề nghị lãnh đạo Hà Nội và Bộ GTVT cố gắng kết thúc sớm chuyện này (vị trí xây cầu). Không có phương án nào là tối ưu cả, nếu như phương án 186m - ngồi ở đây chúng ta thấy nhẹ nhàng nhưng ở ngoài kia nhà dân phải phá đi rất nhiều. Do vậy, tôi bỏ phiếu cho phương án cách cầu Long Biên 75m”, Giáo sư Khuê nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, việc bảo tồn cầu Long Biên đã có chủ trương, nhưng bảo tồn thế nào lại là câu chuyện dài cần phải bàn kỹ lưỡng. Ông Dương Trung Quốc tán thành với Hà Nội việc xây dựng công trình mới phải không ảnh hưởng đến cầu Long Biên và phố cổ. Từ phân tích đó ông Dương Trung Quốc thống nhất với phương án xây cầu đường sắt cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu.

Với phương án ba, tim cầu cách tim cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu. Vị trí này đủ xa để giảm bớt ảnh hưởng kiến trúc đến cầu Long Biên. Tuy nhiên, để nâng cao tính thẩm mỹ cho khu vực cũng nên nghiên cứu cầu trên tuyến đường sắt đô thị số 1 vượt sông Hồng với kết cấu cầu dầm để hạn chế nhất ảnh hưởng về mặt kiến trúc tới cầu Long Biên.

Phương án ba đi qua đường Phùng Hưng, Hàng Đậu nên không gian hoàn toàn đủ để bố trí tuyến đường sắt đô thị mà không phải giải phóng mặt bằng nhà dân. Trong khi đó, khối lượng giải phóng mặt bằng phía hữu ngạn chủ yếu tập trung vào đoạn chuyển từ đường Phùng Hưng sang đường Hàng Đậu tại đúng ranh giới phía Bắc của khu phố cổ và đoạn ngoài đê từ chợ Long Biên tới sông Hồng.

Trong khi đó các công trình bị ảnh hưởng khu vực phố cổ cũng chủ yếu là các công trình xây mới, công trình công cộng như trụ sở cơ quan công an, nhà hàng, khách sạn. Do vậy, khối lượng giải phóng mặt bằng phương án ba là thấp nhất trong các phương án.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm