1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Hà Nội sẽ không nghiệm thu, "bắt" trồng lại cây xanh còn nguyên bầu bọc rễ

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng có thể trong quá trình trồng cây, một số chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy định, chưa thực hiện tháo bỏ vỏ bầu trước khi trồng cây.

Sau bão Yagi, có nhiều cây xanh ở Hà Nội bị gãy đổ, lộ ra nhiều gốc cây còn nguyên bầu bọc rễ, trồng khá nông từ khoảng 30-50cm. Dư luận cho rằng có thể do đơn vị trồng cây cẩu thả, sai kỹ thuật khiến cây xanh dễ bật gốc?

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thế Công, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết việc trồng cây xanh đã được UBND TP Hà Nội quy định tại Quyết định 34/2020/QĐ-UBND ngày 8/12/2020 về quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh và chăn nuôi động vật trưng bày trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó yêu cầu rất kỹ về kỹ thuật.

Về kích thước hố, kích thước bầu cây +0,4m, đào hố đến chiều sâu hơn kích thước chiều cao bầu cây tối thiểu 0,3m đối với mặt bằng trồng cây có đất tự nhiên phù hợp cho cây trồng.

Căn cứ nội dung báo chí nêu về việc hố trồng cây khá nông khoảng 30-50cm, ông Công cho rằng việc này là chưa phù hợp với quy định trồng cây của thành phố.

Hà Nội sẽ không nghiệm thu, bắt trồng lại cây xanh còn nguyên bầu bọc rễ - 1

Ông Nguyễn Thế Công, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Về quy định trồng cây xanh, ông Công cho hay sau khi cẩu cây trồng đưa vào hố, trước khi trồng phải tháo bỏ bao bầu cây (đối với vỏ bầu không có khả năng tự phân hủy), cắt hết dây buộc, đặt bầu cây vào chính giữa hố đảm bảo cây trồng thẳng đứng.

"Có thể trong quá trình trồng cây, tại một số vị trí hay của một số chủ đầu tư là quận, huyện hoặc các cá nhân, tổ chức khác chưa thực hiện đúng quy định, chưa thực hiện tháo bỏ vỏ bầu trước khi trồng cây. Trách nhiệm trong việc này thuộc về các chủ đầu tư", đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nêu.

Sở Xây dựng Hà Nội tiếp thu các ý kiến phản ánh và sẽ đôn đốc, nhắc nhở, giám sát các chủ đầu tư để không xảy ra những trường hợp như phản ánh trên. Nếu chủ đầu tư không thực hiện nghiêm theo quy định thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu trồng lại hoặc không tổ chức nghiệm thu.

"Sở Xây dựng Hà Nội tiếp thu và sẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trong quá trình tiếp nhận, nghiệm thu các hệ thống cây xanh trồng mới.

Đối với các hệ thống cây được trồng mới, các nhà thầu, chủ đầu tư phải có trách nhiệm chăm sóc để cây phát triển ổn định trong 24 tháng, sau đó Sở Xây dựng sẽ kiểm tra, nếu đủ điều kiện mới tiếp nhận các hệ thống cây xanh đó", đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định.

PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp), cho rằng việc nhiều gốc cây còn nguyên bầu bọc rễ, trồng khá nông là lỗi kỹ thuật của người thi công.

Theo ông Hà, những người thực hiện việc trồng cây tại đô thị Hà Nội phần lớn chưa qua đào tạo, trường lớp bài bản, mà đi trồng theo chỉ đạo của cấp trên. "Lúc lãnh đạo bảo bóc bỏ cái lớp vỏ bầu ra thì có khi lại không để ý, nghĩ rằng để cũng không sao, cũng có thể họ nghĩ rễ cây khỏe, vẫn trồi ra được", ông Hà nêu.

Giải thích về lý do tại sao bầu rễ không được loại bỏ nhưng cây vẫn xanh tốt, ông Hà cho biết phần mặt bầu được trồng thấp hơn bề mặt và tiếp xúc với đất. Rễ sẽ trồi ra từ đó.

Tuy nhiên, việc phát triển này khiến những rễ đâm sâu xuống đất bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng đứng vững của cây khi có tác động của gió bão. Có thể thấy cây vẫn phát triển bình thường, nhưng yếu tố bất thường nằm ở mật độ rễ và phân bố của rễ để đảm bảo cây đó vững chắc.