Hà Nội sẽ có phố Văn Cao
10 năm sau ngày tác giả Quốc ca Việt Nam ra đi (10/7/1995 -10/7/2005), TP Hà Nội dự định sẽ gắn biển tên ông cho một tuyến phố mới ở quận Ba Đình: Phố Văn Cao. Thông tin này đã được ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trực tiếp thông báo với gia đình cố nhạc sĩ.
Nếu kịp, phố sẽ được gắn biển đúng vào ngày Quốc khánh 2/9 năm nay...
Phố Văn Cao sẽ nối phố Liễu Giai, đoạn từ nhà khách Dân tộc (số 231, phố Đội Cấn) đến đường Hoàng Hoa Thám, dài khoảng 540m, rộng 50m. Đây là tuyến phố đẹp vào loại nhất Hà Nội, hiện đại, có giải phân cách rộng, trồng hoa và cây xanh.
Nhạc sỹ Văn Cao (1923 - 1995) là một nhạc sỹ tài năng và hiếm có của văn hoá Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Văn Cao, nguyên quán tại làng An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông có các nhạc phẩm tiêu biểu như: “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Tiến quân ca” (Quốc ca), “Trường ca sông Lô”…Bên cạnh đó ông còn để lại nhiều bài thơ và các hoạ phẩm có giá trị. Nhà nước đã truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh ( 1996).
Đặt tên phố Văn Cao nhằm ghi nhớ công lao đóng góp của ông đối với đất nước và Thủ đô Hà Nội.
(Trích đề nghị của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) |
Ông Triệu cho gia đình cố nhạc sĩ biết thêm, dự kiến con đường Văn Cao tương lai sẽ xuyên qua đường Hoàng Hoa Thám, kéo dài ra tận sát Hồ Tây, về quy mô và quy hoạch sẽ đẹp như đường Nguyễn Chí Thanh và đường Liễu Giai.
Bà Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao xúc động nói: “Thủ đô Hà Nội đặt tên phố Văn Cao hơi muộn hơn so với nhiều thành phố khác. Nhưng việc tên ông được gắn trên đường phố Thủ đô vào đúng dịp 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cũng là 60 năm ngày bài hát Tiến quân ca ra đời mang một ý nghĩa sâu sắc, là một niềm vui lớn cho cả gia đình chúng tôi”.
Một năm sau ngày Văn Cao mất, thành phố Hải Phòng - nơi sinh ra cố nhạc sỹ, đã đặt tên ông cho một con phố rất đẹp ở quận Ngô Quyền. Huế có phố Văn Cao ở phường Xuân Phú. Đà Nẵng có phố Văn Cao ở quận Thanh Khê. Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất nước và Nam Định - quê hương của nhạc sỹ đều đã có phố mang tên ông.
Văn Cao là một trong những nhạc sỹ đa tài nổi tiếng của Việt Nam. Năm 1945, bài hát Tiến quân ca của ông đã vinh dự được chọn làm Quốc ca Việt Nam.
Bà Thúy Băng cho biết thêm : “Nhà tôi có lần kể lại, bài hát Chiến sỹ Việt Minh, sau này là Chiến sỹ Việt Nam của nhà tôi từng được cân nhắc khi chúng ta tìm bài hát Quốc ca Việt Nam. Nhưng do Chiến sỹ Việt Nam hơi dài, quần chúng khó hát, hơn nữa bản thân bài Tiến quân ca đầy đủ ý nghĩa hơn nên cuối cùng đã được chọn”.
Xung quanh việc tìm đường phố nào để gắn biển tên Văn Cao cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau. Đã có ý kiến lấy đoạn đường từ cầu Trung Hoà, chạy qua khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính làm phố Văn Cao, để ông “được gần” với Nguyễn Tuân và Nguyễn Huy Tưởng, hai con phố nằm ở khu vực này.
Lại có ý kiến nên đặt tên Văn Cao cho con đường từ dốc Yên Phụ đến khu chợ Long Biên, gần với đường Xuân Diệu, Tô Ngọc Vân - một thi sĩ và một hoạ sĩ nổi tiếng, hai lĩnh vực nghệ thuật mà Văn Cao cũng có nhiều tác phẩm xuất sắc.
Cũng có người kiến nghị đổi tên đường Thanh Niên hoặc đường Bắc Sơn thành đường Văn Cao... Nhưng đến nay Văn Cao và những người yêu mến ông vẫn cứ còn phải …chờ.
Cho dù Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đã thông báo bằng miệng cho gia đình cố nhạc sỹ hôm 9/7/2005, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức về việc chọn đoạn phố Liễu Giai kéo dài làm phố Văn Cao.
Gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao hôm nay còn có thêm một niềm vui nữa, đó là, căn hộ số 108, phố Yết Kiêu - nơi Văn Cao sinh sống sau khi từ Việt Bắc trở về cho đến cuối đời, được ông Nguyễn Quốc Triệu ủng hộ làm thành Nhà lưu niệm Văn Cao.
Sau nhiều thành phố lớn, việc Hà Nội chọn một con đường đẹp của Thủ đô đặt tên Văn Cao là một quyết định đúng đắn, xứng đáng để tôn vinh tên tuổi và đóng góp của ông với đất nước.
Sau 10 năm đi xa, Văn Cao lại “trở về” với Hà Nội qua: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về… Như mùa xuân xuống cành, đường nghe gió về Hà Nội bừng Tiến quân ca” (Tiến về Hà Nội).
Đại gia đình Văn Cao hôm nay có tổng cộng 5 người con, 11 cháu và 5 chắt. Phần lớn các con, cháu theo nghiệp ông như: Văn Thao - họa sỹ, Nghiêm Bằng – làm thơ - công tác ở Văn phòng Quốc hội, Hương Hương - nhạc sỹ (hiện sống ở Ba Lan), Nghiêm Thành - họa sỹ, công tác tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội... |
Theo Tiền phong