Hà Nội: Nhà "siêu nhỏ", tiền bán "siêu to"!
3 cánh cửa sắt được dựng lên chỉ để ''bảo vệ'' một miếng đất dài 10m, rộng khoảng... 1 gang tay và được "hét" giá cả tỷ đồng.
Giữ đất bằng cửa sắt
Ngay mặt tiền ngõ 47, đường Văn Cao, Ba Đình (Hà Nội) có 3 cánh cửa sắt hoen gỉ, đen thui. Nhìn kỹ, ngay sát sau tấm cửa sắt là một... bức tường. Sau bức tường lại là một ngôi nhà khác.
Gia đình có 3 tấm cửa sắt thuộc diện giải phóng mặt bằng dự án đường Văn Cao và được đền bù tái định cư tại khu Trung Hòa Nhân Chính. Nhưng trớ trêu thay, dự án để chừa lại chút đất ngay sát mặt đường, thành ra, chủ nhân tuy đã tái định cư nhưng vẫn là chủ sử dụng số đất còn lại. Họ cho xây lên 3 cánh cửa sắt để khẳng định chủ quyền dù chẳng sử dụng được việc gì.
Trong khi đó, muốn đi vào ngôi nhà kề ngay sau cửa sắt (gia đình ông Nguyễn Văn Dũng) phải đi vào ngõ 47 bên cạnh, rồi ngoặt ngược lại mới thấy chiếc cổng nhỏ. Ngay sau khi việc giải phóng mặt bằng đường Văn Cao hoàn tất, gia đình ông Dũng có ý mua lại miếng đất nhỏ bé không còn làm được việc gì với chủ cũ nhưng lại vô cùng quan trọng với nhà ông vì nếu ''mua'' được nó, nhà ông sẽ thông ra đường. Nhưng khi thương lượng, ông Dũng ngã ngửa: trăm triệu cho...1m tính theo chiều dài. Với 10m chiều dài thì số tiền bỏ ra để mua 3 cái cửa sắt đã lên tới cả... tỷ đồng!
Thêm một vài lần ngã giá, số tiền có giảm đi, chủ ''cửa sắt'' chốt lại với giá 40 triệu/m dài, nghĩa là 400 triệu cho 3 cái cửa sắt. Có lần, gia đình ông Dũng cũng bàn nhau cố vay mượn mua đứt 3 cái cửa sắt và trả giá 20 triệu/m dài (tổng cộng khoảng 200 triệu đồng), nhưng không thành. Cửa sắt nằm im đến nay là 3 năm trời.
Có lẽ đây là diện tích đất duy nhất ở Hà Nội có 3 điều đặc biệt: chưa có đất nào bán theo đơn vị đo đặc biệt như thế, giá cả đặc biệt như thế và khách hàng đặc biệt như thế (bởi hoàn toàn không có thị trường ở đây, chỉ có duy nhất 1 người cần mua-PV).
Càng ở trung tâm thành phố, người ta mới thấy từng tấc đất sinh tấc vàng.
Tại 56 đường Văn Cao, miếng đất có diện tích khoảng 8m chiều dài, sâu khoảng 0,5m được một hàng bán bia hơi vỉa hè thuê để cất bàn ghế; hay trên đường Hoàng Hoa Thám có ngôi nhà gần như vuông, với chiều rộng chưa đến sải tay và chiều dài cũng chỉ hơn 2m mà ''chồng'' được những 2 tầng lầu, trên ở dưới kinh doanh... Thậm chí, nhiều chỗ gọi là nhà (vì có cửa, có tường, có mái che, có chủ sở hữu) nhưng chỉ có thể đủ để bày 1 cái giá treo bán mũ, hay một tủ bán tạp phẩm...
Đường Đào Tấn đẹp và càng nổi tiếng hơn vì ''đẻ'' ra 15 ngôi nhà cao tầng (số nhà 66-80) siêu mỏng san sát nhau. Dự án cầu vượt Ngã Tư Sở cũng là ''cha đẻ'' của hàng loạt các ngôi nhà mang hình ngũ, lục giác... mọc lên dọc đường Sơn Tây và đường Trường Chinh.
Mờ mịt giải pháp cho đất và nhà siêu nhỏ
Một người dân khu phố Văn Cao cho biết, một lần có 1 đoàn khách du lịch nước ngoài cứ đứng trước 3 cánh cửa sắt nói trên xì xà xì xồ rất lâu, dù không biết ngoại ngữ nhưng ông đoán chắc là khách du lịch đang bàn tán về chiếc cửa sắt kỳ lạ ''chả đóng cho cái gì mà cũng chả mở ra cái gì''!
UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 28 về quy định cấp giấy phép xây dựng các công trình trên địa bàn TP. Trong đó nêu rõ, lô đất có diện tích nhỏ hơn 15m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m, hoặc những lô đất có kích thước hình học không đủ điều kiện để xây dựng công trình theo quy hoạch, kiến trúc (phần diện tích xây dựng công trình có nhiều góc cạnh, tỷ lệ chiều dài, chiều rộng không hợp lý,…) thì không được phép xây dựng.
Trong quy định này cũng nêu rõ các sở ban ngành có nhiệm vụ quản lý, cấp phép xây dựng, triển khai xây dựng... Tuy nhiên, những công trình trên vẫn tồn tại, cũ có, mới có mà không thấy động tĩnh gì khả quan từ các nhà quản lý.
Giá như trong quá trình lập dự án thiết kế xây dựng đường, nếu cơ quan chức năng tính đến cả quy hoạch hai bên đường thì đã giải quyết ngay được chuyện trớ trêu này. Tỷ dụ như dự án đường Văn Cao, tốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng nay muốn bỏ một cánh cửa sắt hay một bức tường, có khi lại phải... lập dự án mới!
Theo Kiều Minh
VietNamNet