Hà Nội mua trực thăng cứu nạn cứu hộ và tàu chữa cháy, có cần thiết?
(Dân trí) - Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), việc TP Hà Nội đề xuất mua sắm trực thăng cứu nạn cứu hộ, tàu chữa cháy là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần xây dựng hạ tầng phù hợp.
Đây là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm: "Phòng chống cháy nổ an toàn và hiệu quả" do báo Dân trí tổ chức, sáng 29/12.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) cho biết TP Hà Nội có đề xuất mua sắm thêm các thiết bị đặc thù như tàu chữa cháy trên sông, máy bay trực thăng cứu nạn cứu hộ.
Nói về tính khả thi của việc này, Đại tá Khương trước hết khẳng định sự cần thiết đầu tư về phương tiện chữa cháy, đặc biệt cho những thành phố lớn như Hà Nội.
"Tuy nhiên, để sử dụng được máy bay trực thăng và các phương tiện khác, Hà Nội cần có cơ sở hạ tầng và những điều kiện cần thiết để những phương tiện đó có thể hoạt động hiệu quả", Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), để công tác PCCC&CNCH đạt hiệu quả cao, hiện nay Cục Cảnh sát PCCC đều có đào tạo và bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác chữa cháy, CNCH nói riêng và PCCC&CNCH nói chung.
Đại tá Khương nhận định, hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC Việt Nam cơ bản đã được trang bị những phương tiện đảm bảo cho công tác chữa cháy và CNCH.
Trong đó, có những thiết bị cơ bản, có những trang thiết bị hiện đại như robot chữa cháy. Những phương tiện này giúp tiếp cận những khu vực khó khăn, nguy hiểm… để có thể chữa cháy.
Còn những phương tiện thiết bị như máy bay không người lái phục vụ việc quan sát, trinh sát đám cháy ở những khu vực con người khó có thể tiếp cận.
"Ngoài ra, còn có các xe chữa cháy để tiếp cận những ngôi nhà cao tầng, cao tới 400m… Đó là những phương tiện hiện đại mà chúng tôi mới được trang bị, tuy nhiên số lượng chưa nhiều", Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) chia sẻ.
Với tham mưu của lãnh đạo Bộ Công an, Chính phủ đã duyệt đề án về trang bị những bộ quần áo chuyên dụng, mặt nạ thở cho lực lượng cảnh sát PCCC.
"Phấn đấu tới năm 2025, mỗi chiến sĩ tham gia chữa cháy, CNCH sẽ có một bộ quần áo chuyên dụng và tới 2030, mỗi chiến sĩ sẽ có 2 bộ, một bộ để chiến đấu và một bộ để dự trữ", ông Khương nói.
Qua đánh giá thực tế, Đại tá Khương cho rằng cần nỗ lực hơn trong công tác huấn luyện, tập luyện, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ thực hiện công tác chữa cháy CNCH nói riêng và công tác PCCC nói chung, để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.