1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội lắp “loa phường đặc biệt” trong nhà dân

(Dân trí) - Nhằm thay thế dần hệ thống loa phường đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”, hơn 100 thiết bị điện tử thông minh (trong tổng số 200) đã được lắp đặt thí điểm tại từng hộ dân.

Từ đầu tháng 10, hai đơn vị là Viettel và Mobifone được thí điểm lắp đặt thiết bị mới có tên M-GATEWAY (tương tự modem wifi) trong từng hộ dân, nhằm thay thế dần hệ thống loa phường. TP Hà Nội cho lắp thí điểm 200 thiết bị này ở 4 phường trên địa bàn 3 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - Nguyễn Minh Khánh cho biết, đến nay Mobifone đã lắp đặt xong thiết bị tại các phường Thành Công (quận Ba Đình). Từ ngày 14/12, Viettel mới bắt đầu thí lắp đặt thiết bị thông minh thay thế loa phường.

Trong giai đoạn thí điểm, danh sách các hộ được lắp các thiếp bị sẽ do phường khảo sát trên cơ sở người dân tự nguyện đăng ký. Trước mắt, các doanh nghiệp lắp miễn phí các thiết bị cho các hộ dân. Sau giai đoạn này, nếu thiết bị được mở rộng lắp đặt trên địa bàn, thành phố Hà Nội sẽ tính toán kinh phí hợp lý từ các nguồn khác nhau (xã hội hóa hoặc ngân sách các quận).

Thiết bị thay thế loa phường được lắp đặt đến từng hộ dân
Thiết bị thay thế loa phường được lắp đặt đến từng hộ dân

Ông Nguyễn Huy Toản – Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, từ ngày 20/10 đến nay, nhà cung cấp đã lắp đặt xong 50 thiết bị thông minh thay thế loa phường cho các hộ dân. Các thiết bị này phát thông tin chính sách của thành phố, quận, phường. Thời gian phát được chia làm các khung giờ cố định trong ngày để người dân tiện theo dõi.

“Giai đoạn thí điểm đa số nhân dân ủng hộ thiết bị này hơn là loa phường. Tuy nhiên, sau giai đoạn thí điểm nếu xã hội hóa cung cấp thiết bị cho dân được thì tốt. Bởi thiết bị này khá đắt tiền, không phải hộ gia đình nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua”, ông Toản nói.

Theo ông Nguyễn Minh Khánh, hiện mới trong giai đoạn thí điểm (trong 3 tháng từ tháng 10 đến tháng 12), đánh giá chất lượng cung cấp thông tin của thiết bị nên thành phố chưa tính tới giá của thiết bị này. Sau khi thử nghiệm xong và đánh giá các thiết bị thử nghiệm đến đầu năm 2018 mới biết được dự trù kinh phí để lắp đặt trong toàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, quá trình lắp đặt thiết bị thông minh cơ bản thuận lợi bởi đa số người dân ủng hộ thay thế loa phường. Đặc biệt, thiết bị thông minh tạo điều kiện thuận hơn cho người dân tiếp cận thông tin theo hình thức trao đổi 2 chiều.

Hiện tại, nhiều phường trong nội thành Hà Nội không phát loa phường như trước đây nữa, mà chỉ phát trong trường hợp có vấn đề đặc biệt, như dịch bệnh sốt xuất huyết, tuyển quân…

“Các phường trong nội thành không sử dụng loa phường như trước đây nữa – chỉ phát trong trường hợp cần thiết. Ngoài thí điểm thiết bị thông minh, các phường cũng thay đổi hình thức thông tin như sử dụng tuyên truyền viên đến từng tổ dân phố, đến từng hộ gia đình”, ông Nguyễn Minh Khánh nói.

Từ đầu tháng 8/2017, UBND TP Hà Nội đã chính thức quyết định số phận loa phường tại 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Cụ thể, đối với các phường thuộc các quận, TP Hà Nội duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa).

Vị trí các cụm loa do UBND quận căn cứ điều kiện thực tế của địa bàn để lựa chọn, quyết định và gửi Sở Thông tin và Truyền thông danh sách, sơ đồ vị trí cụm loa để tổng hợp.

Trừ các cụm loa được lựa chọn duy trì, hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và tạm dừng phát thanh.

Về nâng cao chất lượng, hiệu quả và đổi mới hoạt động của đài truyền thanh phường, xã, thị trấn, trên địa bàn 4 quận nội thành, UBND TP Hà Nội chỉ đạo chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của Trung ương và Thành phố.

Quang Phong

Dòng sự kiện: Loa phường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm