1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Hà Nội làm đường 8.555 tỷ đồng nối Phúc La với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Thế Kha

(Dân trí) - Tuyến đường vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La - Văn Phú (Hà Đông) đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư trên 8.555 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách thành phố Hà Nội.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của "Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ" do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội làm chủ đầu tư, vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.

Tổng chiều dài dự án khoảng 10,34km. Điểm đầu tuyến đường tại km0+000 đường Phúc La - Văn Phú (quận Hà Đông) và điểm cuối tại km10+340 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (địa phận huyện Thanh Trì).

Tuyến đường được đầu tư thiết kế với quy mô đường trục chính đô thị, vận tốc 80km/h, mặt cắt ngang B=60-80m.

Trên tuyến sẽ có 6 cầu, gồm: Cầu sông Nhuệ, cầu Hòa Bình, cầu Tô Lịch, cầu vượt đường sắt, cầu vượt quốc lộ 1A và cầu vượt nút giao cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ.

Dự án chiếm dụng diện tích gần 130ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ có trên 48ha cần phải xin chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Hà Nội làm đường 8.555 tỷ đồng nối Phúc La với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - 1

Dự án đường vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 10,34km (Ảnh: Thế Kha chụp lại).

ĐTM thông tin, tuyến đường vành đai 3,5 nằm giữa vành đai 3 và vành đai 4 của Hà Nội. Theo quy hoạch, đây là trục giao thông xuyên qua khu dân cư hiện trạng và các khu đô thị mới của các quận nội thành.

Đường vành đai 3,5 bắt đầu từ Khu công nghiệp Quang Minh qua cầu Thượng Cát đến cầu Ngọc Hồi và kết thúc tại điểm giao cắt với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) với tổng chiều dài khoảng 42km. Trong đó, tuyến đường vành đai 3,5 trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Trì dài 10,34km.

Trong đó, ĐTM cho hay đoạn Quang Minh - Thượng Cát có chiều dài khoảng 9km chưa có dự án; cầu Thượng Cát và tuyến đường hai đầu cầu có chiều dài 3.6km đang được Ban Quản lý Dự án giao thông Hà Nội lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Đoạn cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 có chiều dài 3,8km đang được Ban Quản lý Dự án giao thông Hà Nội lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đoạn quốc lộ 32 tới Đại Lộ Thăng Long dài khoảng 4,9km, UBND huyện Hoài Đức đang triển khai xây dựng dự kiến đưa vào khai thác năm 2024.

Nút giao giữa đường vành đai 3,5 với Đại Lộ Thăng Long đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội triển khai thiết kế kỹ thuật.

Đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Phúc La - Văn Phú đã đưa vào khai thác sử dụng; đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ tới cầu Ngọc Hồi chưa có dự án.

Hà Nội làm đường 8.555 tỷ đồng nối Phúc La với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - 2

Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (Ảnh: Anh Tú).

"Việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3,5 trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Trì sẽ đồng bộ hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân nói chung và các khu đô thị mới dọc theo tuyến đường này nói riêng", báo cáo ĐTM nhấn mạnh.

Hai bãi xử lý chất thải rắn

ĐTM thông tin, trong quá trình thi công tuyến đường sẽ phát sinh đất đá có thể tận dụng hoặc không đạt yêu cầu để tận dụng cần đổ bỏ (đất đá loại).

Dự án đã xác định sẽ đổ thải tại Bãi xử lý chất thải rắn Toàn Cầu (khu đất rộng 6,5ha tại khu vực nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ) với trữ lượng chứa của bãi 80.000m3 và Bãi đổ thải Nguyên Khê (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) có trữ lượng đổ thải 300.000m3.