Hà Nội "kiên quyết, kiên trì" thực hiện giãn cách xã hội

Quang Phong Nguyễn Trường

(Dân trí) - Theo Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, sau 40 ngày thực hiện giãn cách xã hội dù đã đạt được một số kết quả nhưng thành phố vẫn là khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.

"Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và nhân dân thủ đô tiếp tục giữ vững ý chí, quyết tâm, kiên quyết, kiên trì thực hiện giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả hơn để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết" - Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

Hà Nội kiên quyết, kiên trì thực hiện giãn cách xã hội - 1

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khẳng định, có nơi còn biểu hiện lơi lỏng trong tổ chức thực hiện giãn cách xã hội, còn có hiện tượng "chặt ngoài, lỏng trong" (Ảnh: Mạnh Quân).

Còn có hiện tượng "chặt ngoài, lỏng trong"

Theo nội dung chỉ thị, sau 40 ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên; lực lượng tuyến đầu tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt, xung kích.

Đã có đông đảo nhân dân, doanh nghiệp không chỉ tự giác chấp hành yêu cầu giãn cách xã hội mà còn tự nguyện tham gia tự quản, đóng góp công sức, hỗ trợ kinh phí, phát huy tốt vai trò của nhân dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong công tác phòng, chống dịch. Với sự nỗ lực, cố gắng đó, thành phố tiếp tục kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, Chỉ thị 06 nêu rõ, hiện tình hình, diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội ngày càng phức tạp. Trong khi đó, việc kiểm soát dịch bệnh ở một số địa phương chưa vững chắc, nhất là ở khu vực mật độ dân cư cao, chật hẹp hay nhiều nhà chung cư cũ, các chợ dân sinh, các khu vực đã được phong tỏa. Đặc biệt, có nơi còn biểu hiện lơi lỏng trong tổ chức thực hiện giãn cách xã hội, còn có hiện tượng "chặt ngoài, lỏng trong". Đồng thời, trên địa bàn thành phố vẫn còn phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng.

Nhằm thực hiện quyết liệt, triệt để, nghiêm túc, thực chất việc giãn cách xã hội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo 6 nội dung đặc biệt lưu ý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống Covid-19.

Trong đó, các cấp, toàn thành phố phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9; tiếp tục coi hiệu quả phòng, chống dịch làm "thước đo" năng lực, uy tín cá nhân cán bộ.

"Lấy sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên để lan tỏa, coi tổ Covid-19 cộng đồng làm nòng cốt, chọn những người có uy tín trong cộng đồng làm trung tâm để quy tụ và phát huy vai trò của nhân dân tham gia chống dịch tại các chốt kiểm soát ở địa bàn dân cư; thực hiện tốt quan điểm lấy xã, phường là "pháo đài", người dân là "chiến sỹ", là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch và xác định "chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân""- Chỉ thị nêu rõ.

Hà Nội kiên quyết, kiên trì thực hiện giãn cách xã hội - 2

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải có các giải pháp quyết liệt hạn chế người dân ra đường (Ảnh: Mạnh Quân).

Áp dụng biện pháp cao hơn đối với "vùng đỏ", "vùng da cam"

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo, toàn thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt, triệt để, nghiêm túc, có hiệu quả thực chất việc giãn cách xã hội, đặc biệt là kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9.

Phải có các giải pháp quyết liệt hạn chế người dân ra đường, nhất là khu vực phong tỏa, nơi có nguy cơ cao, chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong".

Yêu cầu xây dựng phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực "vùng đỏ", "vùng da cam".

Đối với khu vực "vùng xanh", giao Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực "vùng đỏ", "vùng da cam", bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Trên cơ sở phương án được phê duyệt, các cơ quan liên quan phải xây dựng ngay kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể tại địa phương, nhất là tại các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh... để có kịch bản phương án phòng, chống dịch chủ động, không để lúng túng, bị động.

Về công tác xét nghiệm, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần; tại các khu vực có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần; các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đề nghị tiếp tục nâng cao năng lực các dây chuyền tiêm với sự tham gia của các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện của các bộ, ngành, y tế tư nhân, y tế cơ sở; sẵn sàng tổ chức tiêm quy mô lớn, bảo đảm an toàn, đúng quy định khi tiếp nhận thêm vắc xin.

Chủ động kích hoạt các khu cách ly tập trung bảo đảm trên 100.000 chỗ cho các đối tượng F1 và khẩn trương kiểm tra, rà soát sẵn sàng tăng công suất cách ly để đáp ứng yêu cầu thực tế; tiếp tục đầu tư, củng cố nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, trọng tâm là các trạm y tế xã, phường, thị trấn; chăm lo làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội…