Để có thể dừng giãn cách xã hội, Hà Nội cần khống chế dịch như thế nào?
(Dân trí) - PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, dịch bệnh tại Hà Nội đang "trong tầm kiểm soát được" nhưng thành phố vẫn thuộc diện nguy cơ cao, khó lường...
Các ổ dịch mới liên tục xuất hiện trong cộng đồng tại nhiều quận, huyện dù Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố từ ngày 24/7. Trong khi đó, chiều 31/8, sau khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng, giãn cách xã hội là hy sinh nhiều thứ thì phải thu được kết quả!
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho rằng, có rất nhiều yếu tố, tiêu chí để quyết định dừng giãn cách xã hội, không chỉ căn cứ trên tiêu chí duy nhất là số ca mắc mới trong cộng đồng. Việc nới bỏ giãn cách có thể áp dụng theo từng địa bàn nguy cơ, theo hoạt động nguy cơ chứ không phải áp dụng cho toàn địa bàn thành phố chẳng hạn.
- Phóng viên: Hà Nội đã trải qua 40 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, vậy theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, ông nhận định tình hình dịch bệnh hiện tại trên địa bàn thế nào?
- PGS.TS Trần Đắc Phu: Dịch bệnh tại Hà Nội đang "trong tầm kiểm soát được" nhưng thành phố vẫn thuộc diện nguy cơ cao, khó lường. Mặc dù các ca bệnh tại các ổ dịch cũ đã giảm hoặc không phát sinh F0 mới nhưng trong cộng đồng lại xuất hiện nhiều ổ dịch mới phức tạp.
Các ổ dịch mới liên quan phần lớn đến chuỗi cung ứng trên địa bàn như chùm ca bệnh tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), nhân viên bán gạo tại Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung có dấu hiệu liên quan chợ đầu mối Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân) hay ổ dịch ở cửa hàng tiện ích trên phố Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân).
Mặc dù chúng ta không phát hiện sớm được F0 nhưng rõ ràng, những ổ dịch mới liên tục xuất hiện cho thấy, Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ còn các ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng.
Trong khi đó, khi dịch xuất hiện tại khu vực nguy cơ cao và có mật độ dân số đông thì dịch bùng phát lên rất nhanh. Trong một khoảng thời gian ngắn, những nơi này có thể ghi nhận hàng trăm ca bệnh mới mà ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) là một dẫn chứng điển hình.
- Vậy Hà Nội có thể làm gì khác để thay đổi cục diện hiện nay, hay chỉ có lựa chọn duy nhất là kiên trì giãn cách, tận dụng thời gian để bóc sạch F0 ra cộng đồng?
- Như tôi đã từng nói, rất khó để đưa dịch về "con số 0" hay bóc tách được triệt để 100% F0 ra khỏi cộng đồng. Bởi lẽ, có thể vẫn còn các ca bệnh không triệu chứng lẩn khuất trong cộng đồng, thế rồi các ca bên ngoài xâm nhập vào vì đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng chúng ta vẫn giao thương, đi lại để cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm, vẫn thực hiện "mục tiêu kép" và tình hình dịch bên ngoài cũng rất phức tạp, vẫn còn những người ra vào Hà Nội.
Trong thời gian tới, tôi nghĩ ngoài một số các biện pháp phòng, chống dịch đã và đang được thực hiện, Hà Nội cần tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm.
Một là, Hà Nội vẫn còn điều kiện truy vết, truy vết để bóc tách F0, tìm kiếm ổ dịch phong tỏa dập tắt càng sớm càng tốt. Các ca bệnh trong cộng đồng có thể được phát hiện sớm hơn thông qua xét nghiệm khu vực nguy cơ, xét nghiệm những đối tượng nguy cơ hoặc xét nghiệm những người ho, sốt, khó thở...
Hai là, tiếp tục có kế hoạch xét nghiệm diện rộng có trọng tâm, trọng điểm để vừa phát hiện các trường hợp F0 lẩn khuất trong cộng đồng, vừa để đánh giá nguy cơ trên địa bàn. Khi phát hiện ra rồi phải phong tỏa, truy vết càng sớm càng tốt. Phải phong tỏa chặt chẽ ổ dịch mới (nếu phát hiện ra) kết hợp với việc giãn cách thật nghiêm, thực chất trong khu phong tỏa. Chỉ có giãn cách mới cách ly được người mắc bệnh với người bình thường, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa.
Ba là, giữ vững "vùng xanh" (vùng không có dịch). Khi phát hiện "vùng xanh" có ca mắc mới thì ngay lập tức phải tích cực truy vết. Nếu lơ là, chủ quan thì dễ dẫn đến việc "vùng xanh" có nguy cơ thành "vùng đỏ". Đặc biệt, nếu "vùng xanh" mà có đặc điểm là nơi đông đúc, nhiều ngõ, ngách nhỏ và diện tích chật hẹp cùng với khả năng tiếp xúc lớn thì dịch rất nhanh bùng lên.
- Vậy Hà Nội cần đạt được những tiêu chí nào để có thể nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch hoặc dừng giãn cách xã hội?
- Về tiêu chí thì không chỉ căn cứ vào số ca bệnh mà phải dựa trên nhiều yếu tố. Nguy cơ dịch bệnh bên trong, bên ngoài, nhu cầu làm ăn kinh tế, nguy cơ dịch theo từng địa bàn… Vấn đề mấu chốt là khi nới lỏng thì có kiểm soát được dịch bệnh hay không? Bởi vì đảm bảo sức khỏe người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Vậy nên có rất nhiều yếu tố, tiêu chí để quyết định dừng giãn cách xã hội, không chỉ căn cứ trên tiêu chí duy nhất là số ca mắc mới trong cộng đồng. Việc nới bỏ giãn cách có thể áp dụng theo từng địa bàn nguy cơ, theo hoạt động nguy cơ chứ không phải áp dụng cho toàn địa bàn thành phố chẳng hạn.
Theo tôi, trong lúc này, Hà Nội cần đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân và đặc biệt lưu ý các đối tượng ưu tiên là những người mắc bệnh nền, người già. Đồng thời, chủ động bố trí cơ sở điều trị theo mô hình "tháp 3 tầng" để nếu dịch có diễn biến phức tạp thì chủ động trong công tác điều trị.
Đặc biệt, Hà Nội cần nghiên cứu mô hình mới, cách thức sống mới để chúng ta có thể "sống an toàn" với dịch bệnh. Tôi cho rằng, hiện rất khó để có lại cuộc sống bình thường như lúc chưa có dịch. Dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường vì vậy, ta cần tạo ra hành vi sống mới, phương thức sống mới, các quản lý mới để kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan khi có một trường hợp F0 xuất hiện trong cộng đồng.
- Xin cảm ơn ông!
Kiên trì thực hiện giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả
Trước đó, ngày 30/8, trao đổi với báo chí về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đợt bùng phát dịch lần này phức tạp hơn các lần trước rất nhiều do sự xuất hiện của chủng mới và tiếp tục biến đổi, lây nhiễm mạnh, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, nguy cơ phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng còn lớn.
Đặc biệt, theo Bí thư Hà Nội, những ca bệnh, chùm ca bệnh mới phát sinh trong những ngày gần đây cho thấy, còn không ít sơ hở trong tổ chức thực hiện giãn cách xã hội.
Các chùm ca bệnh mới tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai); phường Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa), xã Liên Ninh, Đại Áng (huyện Thanh Trì) hay khu chung cư HH4C Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cho thấy, nguy cơ phát sinh các chùm ca bệnh mới rất cao ở khu vực mật độ dân cư cao, chật hẹp với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư san sát nhau. Điều này còn thể hiện rằng, việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa bàn đông dân cư chưa vững chắc.
"Thực tế hiện nay cùng với tình hình dịch bệnh ở các địa phương trên cả nước vẫn rất phức tạp đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân thủ đô tiếp tục giữ vững ý chí chiến đấu, quyết tâm, kiên trì thực hiện giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả" - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.