1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Không biến chợ Châu Long thành trung tâm thương mại

(Dân trí) - UBND TP Hà Nội có quyết định dừng triển khai dự án đầu tư xây dựng chợ - Trung tâm thương mại Châu Long, giao quận Ba Đình nghiên cứu dự án cải tạo chợ Châu Long theo mô hình chợ truyền thống. Câu chuyện về chợ dân sinh - vai trò, sức ảnh hưởng trong cuộc sống đô thị hiện đại thêm một lần được khẳng định.

Du khách nước ngoài thích thú với những nét đặc biệt, đậm chất Hà thành của chợ Châu Long.
Du khách nước ngoài thích thú với những nét đặc biệt, đậm chất Hà thành của chợ Châu Long.

Chợ Châu Long nằm trong khu vực hồ Trúc Bạch, với diện tích hơn hai nghìn mét vuông thuộc phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) và rất gần phường Quán Thánh, phía Bắc giáp phố Chùa Châu Long, phía Nam giáp phố Nguyễn Trường Tộ, phía Đông giáp phố Châu Long và phía Tây giáp phố Trấn Vũ. Hai phường lớn cộng lại, diện tích lên tới gần 2.000 ha, dân số gần 20.000 người, cộng thêm chừng ấy cư dân đến từ các nơi khác đến khiến đây trở thành một trong những khu vực tấp nập, sôi động bậc nhất tại các quận trung tâm Hà Nội.

Toàn bộ diện tích vỉa hè, lòng đường của hai phường đã được huy động phục vụ đi lại, buôn bán và sinh hoạt… Châu Long, vì thế cũng là một trong những chợ truyền thống lâu đời nhất, sầm uất nhất thủ đô.

Ngoài ra, điểm đặc trưng của chợ Châu Long trong số những khu chợ đã hình thành, tồn tại và phát triển suốt chiều dài lịch sử thành Thăng Long là nơi bày bán vô số những món ăn bản địa – những món ngon đặc trưng của Hà Nội như phở bò, bánh cuốn, bún chả, bánh chưng…

Gần đây, ẩm thực trong chợ Châu Long đã được một Tạp chí du lịch của Anh “điểm danh” trong danh sách “Những thánh địa ẩm thực trên thế giới”.

Từ đầu năm 2014, thông tin UBND thành phố Hà Nội cũng chủ trương tiến hành xây dựng chợ Châu Long thành Trung tâm thương mại, giống như chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam… dư luận đã dấy lên không ít tiếc nuối khi một ngày không xa, chợ Châu Long sẽ không còn.

Tiểu thương buôn bán trong chợ cũng hoang mang với viễn cảnh giống như các chợ trước đó khi xây thành trung tâm thương mại thì người vào chợ giảm hẳn, số chợ cóc trong khu vực lại tăng đột biến, lan tỏa sang các phố chung quanh…

Vì thế, thông tin UBND thành phố dừng triển khai dự án đầu tư xây dựng chợ - Trung tâm thương mại Châu Long khiến người dân rất phấn khởi.

Lời giải cho chuyện duy trì chợ truyền thống giữa phố phường hiện đại cần bắt đầu bằng việc tổ chức giao thông thông minh hơn, thuận tiện hơn cho người bán - mua ra vào chợ. Xây dựng quy trình vận chuyển hàng hóa, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, tăng cường ứng dụng các công nghệ mới trong việc mua bán, đóng gói, giao hàng hiệu quả hơn để chợ truyền thống vận hành trơn tru hơn, giữ được sự gần gũi, thân thiện, tin cậy giữa người sản xuất, tiêu dùng với công suất phục vụ lớn hơn hàng chục lần.

Nhiều nước trong khu vực đã rất thành công với mô hình này như chợ cá tại Manila (Philippines), chợ hoa quả, trái cây tại Bangkok (Thailand) hay chợ ăn uống bình dân – nơi tập trung những quán ăn đường phố kiểu “Newton food center” (Singapore).

Hà Nội: Không biến chợ Châu Long thành trung tâm thương mại - 2

Chợ Châu Long cải hóa thành công sẽ là hình mẫu cho một mô hình chợ dân sinh Hà Nội mới, nhằm nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị, giúp đảm bảo an toàn thực phẩm đồng thời tăng cường trật tự đô thị. Việc đó chỉ có thể có được giải pháp tổng thể, tối ưu một khi các nhà quản lý có tầm nhìn vượt ra khỏi phạm vi 2000m2 đất để bước đến một cuộc thảo luận rộng rãi với cả xã hội “chung tay xây dựng mô hình chợ dân sinh kiểu mới.

Hôm nay, 14/10, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Mô hình chợ dân sinh trong đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội”. Hội thảo tập trung vào những vấn đề: Vai trò chợ dân sinh trong đô thị; Các mô hình chợ dân sinh; Đề xuất mô hình chợ dân sinh trong đô thị Trung tâm TP Hà Nội; Giải pháp và các kiến nghị trong quản lý và phát triển mô hình chợ dân sinh trong trung tâm TP Hà Nội…

KTS Trần Huy Ánh