1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội hoang mang vì dịch bệnh

(Dân trí) - Có mặt tại một số chợ trên địa bàn thủ đô, cảm nhận rõ nỗi hoang mang, lo sợ của người dân trước tình hình dịch bệnh tiêu chảy cấp, dịch lợn tai xanh hoành hành. Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hà Nội lại đáng sợ như hiện nay.

Dọc các con phố, nhiều quán bún đậu mắm tôm đồng loạt đóng cửa. Trong các khu chợ, dịch lợn tai xanh cũng khiến người nội trợ băn khoăn...

 

Nhiều gian hàng ăn đóng cửa

 

Trong số 5 tỉnh thành có bệnh nhân bị tiêu chảy cấp (Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên và Vĩnh Phúc) thì Hà Nội được coi là “điểm nóng” với số bệnh nhân nhập viện tăng liên tục mỗi ngày. Có mặt tại một số chợ và các địa điểm tập trung đông các quán ăn sáng ở các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai,… vào sáng sớm nay, 2/11, PV Dân trí cảm nhận rõ không khí lo lắng cũng như ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân.

 

Tại khu vực quanh sân vận động Hàng Đẫy, quận Đống Đa, nơi thường ngày tập trung khá nhiều các hàng quán ăn sáng bán bún đậu mắm tôm, bún giả cầy, bún riêu... Nhưng sáng nay, tất cả các quán bán bún đậu đồng loạt nghỉ.

 

Chị Nguyễn Thị Nhàn ở ngõ Hàng Cháo cho biết, món tủ” của chị là bún đậu chấm mắm tôm nhưng 3 ngày nay đành phải đổi sang bán bún đậu chấm nước mắm. Đến hôm nay thì nghỉ hẳn.

 

Tại khu vực này duy chỉ còn quán bún giả cầy của vợ chồng anh Lê Ngọc Sơn mở cửa bán hàng. Món giả cầy của anh chị vẫn nấu bằng mắm tôm nhưng được đun sôi kỹ đến 2 lần trước khi bưng ra cho khách. Khách nào muốn thêm bát nước chấm, chủ quán cũng chỉ dám đưa ra bát gia vị pha chanh ớt vì bản cam kết với đội y tế của phường vừa kỹ chưa ráo mực. “Mà nếu có cho mắm tôm sống cũng chẳng khách nào dám ăn”, anh Sơn khẳng định.  

 

Suốt dọc từ khu vực Ngô Sĩ Liên xuống chợ Thành Công, tất cả các quán bán bún đậu mắm tôm sáng nay đều đóng cửa im ỉm. Từ chợ Thành Công xuống khu vực chợ Thanh Xuân, chỉ bắt gặp hai quán bán bún đậu của chị Đỗ Thị Thái và chị Đào Thị Yến ở chợ Nhân Hoà - Nhân Chính, nhưng khách vào đây ăn “chỉ được” chấm nước mắm.

 

Chị Đỗ Thị Thái bán hàng trên phố Vũ Ngọc Phan chuyển từ bún đậu mắm tôm sang bánh chưng rán, mong sao vẫn duy trì được chút thu nhập. Còn tại các quán thịt chó, chủ quán chỉ làm gia vị bằng muối ớt cho thực khách. Thực khách nào nghiền mắm tôm thì chủ quán phải đun sôi thật kỹ trước khi bê ra bàn nhậu.

 

Hà Nội hoang mang vì dịch bệnh - 1

Các quán bún đậu mắm tôm đồng loạt đóng cửa.

 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Dân trí, món mắm tôm đã được cả chủ và khách loại khỏi thực đơn nhưng rau sống thì vẫn được bưng ra như thường.

 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, hầu hết các bệnh nhân bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện đều xuất phát từ vấn đề vệ sinh ăn uống.

 

Người nội trợ hãi lợn tai xanh

 

Dịch lợn tai xanh tuy diễn biến không quá nhanh song cũng khiến các bà nội trợ hoang mang, lo lắng; việc buôn bán của những tiểu thương bán thịt cũng gặp đôi chút khó khăn.

 

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hôm nay 2/11, Bộ sẽ cử 15 đoàn chuyên gia y tế đi thực tế kiểm tra tại 30 tỉnh phía Bắc; đồng thời cử 15 đoàn của Cục Y tế dự phòng, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đi kiểm tra diễn biến, đôn đốc các địa phương tích cực phòng chống dịch bệnh.

 

Hôm qua, phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy cấp đã được hình thành và đưa vào áp dụng điều trị cho các bệnh nhân.

Tại chợ Nhân Hoà - Nhân Chính, chợ Xanh, chợ Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân), chợ Thành Công... nhiều người nội trợ đã loại món thịt lợn khỏi thực đơn của gia đình; thay vào đó là các món cá, thịt bò, đậu phụ. Thậm chí thịt gà, vịt giờ cũng được xếp vào nhóm “thực phẩm an toàn”.

 

Bà Nguyễn Thị Lan ở ngõ 80 phố Nhân Hoà nhận định, lo sợ dịch lợn tai xanh không có nghĩa là mình tẩy chay nó mà quan trọng là phải kiểm soát được dịch, không để lợn bệnh tràn ra thị trường, khi đó người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn.

 

Chị Nguyễn Thị Hằng đã có thâm niên hàng chục năm bán thịt lợn ở chợ Thành Công, cho biết, do lo sợ dịch lợn tai xanh, số lượng khách hàng có giảm đi chút ít nhưng không đáng kể vì tất cả các loại thịt lợn được bày bán ở đây đều đã qua kiểm dịch. Tuy nhiên người dân khi mua vẫn “soi” rất kĩ và chỉ cần một chút nghi ngờ là sẽ chuyển sang mua thực phẩm khác ngay.

 

Tìm hiểu từ những người bán thịt ở các chợ này, được biết giá thịt mấy ngày này không thay đổi nhiều, duy có giá ở các lò mổ có tăng lên chút ít. Không loại trừ trường hợp một số cửa hàng bán các loại thực phẩm khác lợi dụng đợt dịch này để tự ý tăng giá.

 

Bà Nguyễn Thị Lan lắc đầu ngán ngẩm: “Chưa bao giờ tôi thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hà Nội lại đáng sợ như hiện nay. Đi chợ mua cái gì cũng phải kiêng. Hết rau muống ô nhiễm, dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh... Không biết sắp tới còn dịch gì nữa không?”

 

Tuấn Hợp

Dòng sự kiện: DIch tieu chay cap