1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội giành chính quyền khi mệnh lệnh chưa đến

Hà Nội vào thu. Các tuyến phố từ trung tâm Bờ Hồ dẫn đến Nhà hát Lớn từng in bước chân của hàng vạn quần chúng nhân dân trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, như đọng lắng không khí của mùa thu cách mạng 69 năm về trước…

...Ngày ấy, những người dân chân lấm, tay bùn đã hiên ngang khẳng định vị thế của người dân làm chủ, làm nên một cuộc cách mạng long trời lở đất...

Lời kêu gọi toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945, trước Quốc dân đại hội của Bác Hồ: "... Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta... Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!" đã nhanh chóng lan truyền thôi thúc hàng triệu trái tim yêu nước. Hà Nội - nơi có nhiều cơ quan đầu não của quân đội Pháp và Nhật cũng bắt đầu dậy sóng...
 
Hà Nội giành chính quyền khi mệnh lệnh chưa đến
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu

Ông Lê Đức Vân (cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, nguyên Ủy viên thanh vận Hà Nội) - người được giao lãnh đạo khởi nghĩa ở ngoại thành nhớ lại: Hôm đó, Tổng hội Công chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn và ta có chủ trương phá cuộc mít tinh đó. Trên giao tất cả hội viên trong Mặt trận Cứu quốc đi dự đều mang theo cờ đỏ sao vàng, đứng lẫn vào trong dân. Khi Ban tổ chức của Tổng hội Công chức tuyên bố khai mạc, anh Lê Phan nhảy lên khán đài lấy micro đưa cho chị Từ Như Trang báo tin Nhật đã đầu hàng đồng minh, hối thúc nhân dân đi theo Việt Minh đứng lên khởi nghĩa. Cùng lúc đó, 500 anh em ở dưới phất cao lá cờ đỏ sao vàng, một lá cờ rất to buông từ tầng 2 Nhà hát Lớn xuống... Ở quảng trường Nhà hát Lớn lúc đó, người dân đồng loạt hô: "Ủng hộ Việt Minh", "Đả đảo chính phủ bù nhìn", "Việt Nam độc lập". Trước một lực lượng ủng hộ cách mạng như vậy, Ban tổ chức của Tổng hội đã chết lặng. Sau đó, một thành viên của Đội danh dự Trường Giang lấy ở trong người ra một lá cờ rất to, phất lên cao và hô: "Đồng bào theo chúng tôi!" và dẫn dòng người nhằm hướng Tràng Tiền thẳng tiến. Đoàn người diễu hành tiếp tục đi qua các phố: Hàng Ngang, Hàng Đào, Phan Đình Phùng, Cửa Nam, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh", "Đả đảo chính phủ bù nhìn", "Việt Nam độc lập". Cuộc tuần hành kéo dài đến tận 20h…

"Trước tình hình đó, Thành ủy và Ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã tiến hành họp gấp. Cuộc họp kéo dài từ 21h ngày 17 đến rạng sáng ngày 18-8 và quyết định khởi nghĩa ngay ngày 19-8" - Đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo, nguyên Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám cho biết: Trong câu chuyện về Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội có một điều đặc biệt đó là, Hà Nội tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi chỉ dựa vào sức mạnh của nhân dân Thủ đô và các tổ tự vệ chiến đấu, chưa có sự hỗ trợ của đội quân giải phóng từ Trung ương và các chiến khu. "Ngày ấy, phương tiện giao thông đi lại khó khăn, lệnh khởi nghĩa không thể truyền nhanh tới các địa phương, nhưng căn cứ vào bản Chỉ thị của Trung ương: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", đồng chí Nguyễn Khang lúc đó là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp phụ trách Hà Nội đã quyết định cho Hà Nội đứng lên khởi nghĩa. Quyết định ấy có thể coi như một sự sáng tạo, một cách chớp thời cơ để vùng lên giành chính quyền ngay từ khi mệnh lệnh chưa đến" - Đại tá Lê Trọng Nghĩa nói.

Sáng sớm 19-8, lực lượng cách mạng ở ngoại thành tổ chức mít tinh và chiếm Đại lý Hỏa Long (chính quyền quản tất cả các xã ngoại thành). Sau đó, đoàn người tiến về Nhà hát Lớn tham dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có, nghe đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa. Đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh", "Việt Nam độc lập!"... và nhanh chóng làm chủ tình hình tại những nơi trọng yếu... Quân Nhật ban đầu rất hung hăng nhưng trước áp lực của quần chúng nên đến chiều hôm đó đã phải rút. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã thành công rực rỡ, đặc biệt là không gây đổ máu. Ngay tối 19-8, Ủy ban Quân sự cách mạng đã tổ chức cuộc họp nhằm chuẩn bị cho buổi ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc bộ và Ủy ban nhân dân Cách mạng Hà Nội để giữ chính quyền non trẻ. Cuộc họp cũng quyết định cử cán bộ cấp tốc lên khu Giải phóng báo tin mừng thắng lợi, mời các đồng chí Trung ương Đảng sớm về Hà Nội để tiếp tục lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước… Đại tướng Nguyễn Quyết - Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ đã nhận định: "Cả Hà Nội, mọi người đứng lên giành chính quyền cách mạng của mình nên thế giới đánh giá là một sự kiện lịch sử cực kỳ quan trọng. Cách mạng Tháng Tám là sự kiện đổi đời của dân tộc Việt Nam là chống đế quốc, chống các giai cấp bóc lột. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nói rằng, cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội không nhận được lệnh của Trung ương mà Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân Hà Nội sáng tạo, đây không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa thời đại".

69 mùa thu đã trôi qua, những con phố thân quen từng diễn ra các cuộc tuần hành trong mùa thu Cách mạng năm 1945 vẫn lặng lẽ chứng kiến biết bao sự đổi thay của Hà Nội, trong đó có những cuộc kiến tạo mang tầm thời đại để Thủ đô ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"...

Theo Hiền Phương

Hanoimoi