1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội: Đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo “đội” vốn khủng!

(Dân trí) - Thủ tướng vừa có ý kiến về điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Mức vốn điều chỉnh tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng, tăng 16.123 tỷ đồng.

Cụ thể, về việc điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên thống nhất hướng dẫn UBND thành phố Hà Nội thực hiện việc điều chỉnh nguồn vốn của Dự án theo quy định.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội hoàn thiện nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu đã cung cấp.

Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo
Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 533/TTg-CN ngày 23/4/2018.

Trên cơ sở dự thảo Báo cáo của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ bố trí họp Thường trực Chính phủ để xem xét, thông qua nội dung báo cáo.

Được biết, việc điều chỉnh thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội - tuyến số 2, mức tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng, tăng 16.123 tỷ đồng.

Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt vào tháng 11/2008. Thời gian thực hiện dự án là từ 2009 - 2015, theo tiến độ ban đầu sẽ khai thác năm 2017, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa có “động tĩnh” gì.

Quy mô xây dựng dự án, tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5 km, trong đó 8,5 km đường đi ngầm và 3 km đi trên cao. Khổ đường sắt đôi 1.435 mm.

Hệ thống nhà ga gồm 3 ga trên cao, 7 ga ngầm. Tuyến bắt đầu từ khu đô thị mới Ciputra đi theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - Trần Hưng Đạo.

Đây là dự án chưa triển khai thi công, mới hoàn thành thẩm tra thiết kế kỹ thuật, phê duyệt kết quả sơ tuyển 4 gói thầu xây lắp và hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu thiết bị, hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết Depot và tổng mặt bằng trên cao.

Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch đường ven biển đoạn Phan Thiết - Thuận Quý, tỉnh Bình Thuận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bình Thuận tiếp thu ý kiến của các Bộ, rà soát các quy hoạch có liên quan trên địa bàn; đánh giá kỹ tác động, ảnh hưởng của việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đường ven biển đến kinh tế, xã hội, môi trường nhằm đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng phải phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTG ngày 27/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển, bảo đảm phát triển bền vững, môi trường cảnh quan và an sinh xã hội.

Châu Như Quỳnh