Hà Nội điều chỉnh quy định về giấy đi đường, cho dùng giấy cũ

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp thực tiễn.

Hà Nội điều chỉnh quy định về giấy đi đường, cho dùng giấy cũ - 1

Hình ảnh người dân ngồi xếp hàng để đến lượt được cấp giấy đi đường có mã QR ở Hà Nội (Ảnh: Đỗ Quân).

Sử dụng song song cả giấy đi đường cũ và mới 

Ngày 7/9, trao đổi về tình hình tổ chức phân vùng phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong tình hình mới.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hà Nội khẳng định, việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở Vùng 1.

Tuy nhiên, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.

Trước mắt, các lực lượng tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư (giấy có mã QR), đồng thời điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.

Đặc biệt, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, khi chưa nhập 2 loại giấy thành một thì chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg. Hà Nội cho phép người dân có giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến. 

Hà Nội điều chỉnh quy định về giấy đi đường, cho dùng giấy cũ - 2

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp thực tiễn (Ảnh: Thành Trung).

Đến 15/9 hoàn thành xét nghiệm toàn dân ít nhất 3 lần

Cũng theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tập trung chỉ đạo ngành Y tế tiếp tục duy trì công suất xét nghiệm 200.000 mẫu/ngày, cần thiết nâng lên 280.000 mẫu/ngày như đã chuẩn bị.

Chỉ đạo này nhằm quyết tâm, đến ngày 15/9 sẽ hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần) tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác sẽ hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); đồng thời xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng…

Trên cơ sở tầm soát y tế toàn dân, Hà Nội yêu cầu ngành y tế chủ trì phối hợp với chính quyền từng địa phương đánh giá mức độ nguy cơ và tham mưu, đề xuất quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn để tổ chức đời sống, sản xuất, kinh doanh... trên tinh thần "an toàn đến đâu, mở ra đến đấy".

Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo phối hợp với 11 tỉnh, thành phố có kế hoạch, phương án tiếp nhận hỗ trợ về xét nghiệm và tiêm chủng ở một số quận, huyện với tinh thần thần tốc để tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Hà Nội mới có 3 triệu liều vắc xin, tiêm được cho 33% dân số

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố đã kiến nghị Bộ Y tế bổ sung phân bổ vắc xin để đến ngày 15/9, Hà Nội sẽ đạt tỷ lệ đối tượng trong độ tuổi được tiêm chủng cao. Hiện thành phố đã chủ động chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm vắc xin, bảo đảm công suất 200.000 mũi tiêm/ngày, hiện mới sử dụng công suất 150.000 mũi tiêm/ngày. Đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố mới được Bộ Y tế phân bổ hơn 3,3 triệu liều, tuy nhiên thực tế, số vắc xin về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội là hơn 3,1 triệu liều.
Tính đến 12h ngày 7/9, toàn thành phố đã tiêm được hơn 2,5 triệu liều, phủ 33,2% dân số; dự kiến đến ngày 9/9 sẽ hoàn thành 100% lượng vắc xin đã được phân bổ.