Hà Nội: Đề xuất Bộ Tư lệnh hóa học khử khuẩn toàn bộ thôn Hạ Lôi

(Dân trí) - Chủ tịch UBND xã Mê Linh (huyện Mê Linh) vừa đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội mời Bộ Tư lệnh hóa học vào khử khuẩn toàn bộ thôn Hạ Lôi.

 

Chiều ngày 8/4, phát biểu tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội, ông Đoàn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, sau bệnh nhân 243, tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh) đã xác định thêm 1 trường hợp dương tính Covid-19 là bệnh nhân 250.

Liên quan đến bệnh nhân 243, ông Trọng cho biết, huyện này đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (CDC) xác định được 109 trường hợp F1, trong đó xã Mê Linh có 93 người, số còn lại ở địa bàn khác. CDC Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 243. Với bệnh nhân 250, lực lượng chức năng xác định được 150 trường hợp tiếp xúc gần.

Hà Nội: Đề xuất Bộ Tư lệnh hóa học khử khuẩn toàn bộ thôn Hạ Lôi - 1
Phun khử khuẩn tại nơi bệnh nhân 243 sinh sống. (Ảnh: Trần Thanh)

Tại buổi họp, ông Trọng thông tin, sáng nay, huyện Mê Linh đã ra quyết định cách ly y tế toàn bộ thôn Hạ Lôi với hơn 10.800 người. “Đến thời điểm này, người dân thôn Hạ Lôi chấp hành tốt các quy định, tự giác khai báo y tế. Những người thuộc diện F1 có mong muốn được đi cách ly sớm”, ông Trọng nói và đề nghị TP cho test nhanh, xét nghiệm toàn bộ thôn Hạ Lôi.

Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái cho biết, địa bàn đã thiết lập vùng y tế cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi, trong đó có hơn 2.700 hộ gia đình, với 10.800 người. Ông Thái cũng đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội sớm triển khai test nhanh, lấy mẫu bệnh phẩm cho người dân thôn Hạ Lôi, từ đó có biện pháp khống chế dịch bệnh.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái cho biết, người dân thôn Hạ Lôi có mong muốn TP và Bộ Tư lệnh hóa học sớm vào cuộc khử khuẩn toàn bộ thôn. “Toàn bộ thôn Hạ Lôi có diện tích rộng 245 ha, nếu dùng máy nhỏ phun khử khuẩn như hiện nay thì chưa an được lòng dân”, ông Tạ Quang Thái nói.

Liên quan đến bệnh nhân 243, qua rà soát, ông Trần Thế Cương, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, trên địa bàn có 8 trường hợp F1, 64 trường hợp F2, 197 trường hợp F3. Trong đó có 1 thợ sửa chữa điện và 3 người uống nước cùng với bệnh nhân 243.

“Tại công an phường Đông Ngạc có Phó Công an phường đã ngồi ăn cơm với bệnh nhân 243. Công phường có 18 chiến sĩ, cả 18 chiến sĩ này được xác định là F2, còn Phó công an phường là F1. Toàn bộ công an phường Đông Ngạc hiện nay đã được cách ly, phun khử khuẩn và lấy mẫu”, ông Cương nói.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Đại Phong - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, quận này đã lấy mẫu bệnh phẩm những người ở quán cơm ở ngõ 75 Giải Phóng. Ông Phong cho biết, bệnh nhân 243 ăn cơm tại đây khi đưa người nhà xuống Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh.

“Thực ra bệnh nhân 243 đã ăn cơm ở đây lâu ngày rồi, thế nhưng để đảm bảo an toàn phòng chống dịch nên chúng tôi vẫn lấy mẫu những người có liên quan để xét nghiệm”, ông Vũ Đại Phong - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng nói.

Kết luận buổi họp, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất của Chủ tịch UBND xã Mê Linh. Theo đó, ông Chung giao Bộ Tư lệnh Thủ đô tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ thôn Hạ Lôi. Trường hợp cần thiết mời thêm Bộ Tư lệnh hóa học cùng vào cuộc.

Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện TP có 102 ca mắc Covid-19, trong đó 40 trường hợp đã khỏi bệnh. Trong đó, phát hiện tại sân bay và khu cách ly tập trung là 40 người; phát hiện tại cộng đồng là 62 người (38 ca có liên quan bệnh viện Bạch Mai)…

Về công tác bảo đảm hậu cần, ông Hạnh cho biết, đến nay TP đã phê duyệt 1.286 tỷ đồng cho hoạt động phòng chống Covid19 trên địa bàn. Theo ông Hạnh trước khi có dịch Covid-19, các bệnh viện của TP có 236 máy thở. Hiện nay, TP đã mua bổ sung thêm 105 máy thở. Thời gian tới TP sẽ mua thêm 37 máy thở, nâng tổng số máy thở lên 378 chiếc.

Căn cứ tình hình thực tế, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, dịch Covid-19 bắt đầu lây lan tại cộng đồng. Do vậy, theo ông Hạnh việc tìm kiếm, xác minh các ca lây nhiễm là hết sức quan trọng. Trong đó, công tác xét nghiệm phải đặt lên hàng đầu, bởi nhiều ca nhiễm bệnh không có biểu hiện triệu chứng cụ thể.

Quang Phong