Hà Nội có nên tiếp tục giãn cách xã hội?
(Dân trí) - Với tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội hiện tại, thành phố nên tiếp tục giãn cách xã hội thêm một thời gian hay dừng lại, nới lỏng biện pháp phòng chống dịch?
Trả lời câu hỏi trên, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, cho biết, tình hình dịch của Hà Nội có dấu hiệu "giảm nhiệt", số ca mắc mới không tăng.
Qua xét nghiệm diện rộng tại quận Hai Bà Trưng khoảng gần 30.000 mẫu cũng chỉ phát hiện 4 trường hợp dương tính, nhưng vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn vì mấy ngày gần đây vẫn phát hiện những ca mắc tại cộng đồng không rõ nguồn lây, rải rác ở một số quận, huyện. Những trường hợp này có thể nhiễm trước khi thực hiện giãn cách (vì thời gian ủ bệnh của Covid-19 là 14 ngày) nhưng cũng có những trường hợp lây nhiễm mới.
Hà Nội đang tiến hành xét nghiệm trên diện rộng để tiếp tục đánh giá nguy cơ tại một số quận như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai… để có những quyết sách về đáp ứng phù hợp.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trước nguy cơ tiềm ẩn như vậy, cũng như biến chủng Delta lây nhiễm nhanh nên Hà Nội cần thực hiện theo Chỉ thị 17 của thành phố một thời gian nữa để bảo vệ thành quả vừa qua.
Bởi lẽ, dịch vẫn phức tạp do những nguy cơ tiềm ẩn. Đồng thời, ý thức người dân tốt, đang ủng hộ chủ trương của thành phố, một số mô hình hay mới hình thành cần có kiểm nghiệm (mô hình tự quản, bảo vệ "vùng xanh", sắp xếp lại chợ đầu mối, chuỗi cung ứng…) để tiếp tục tạo nếp phòng, chống dịch cho người dân vì dịch còn kéo dài trên thế giới và cả nước.
Bên cạnh đó, ông Phu có ý kiến nếu Hà Nội dỡ bỏ giãn cách thì cũng nới lỏng từ từ theo hoạt động, theo vùng nguy cơ, không nới lỏng toàn thành phố, nới tất các hoạt động một thời điểm.
Hoạt động nào có nguy cơ cao cho sự lây lan dịch bệnh thì vẫn chưa được phép hoạt động, địa bàn nào còn nguy cơ rất cao mà ta vẫn gọi là "vùng đỏ" (có ca F0) thì vẫn phải giãn cách. Điều này cần dựa trên đánh giá nguy cơ và thực tế để quyết định phù hợp.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện không thể chủ quan với dịch bệnh vì biến thể Delta lây lan nhanh. Hà Nội cần phải thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và thực hiện tốt các biện pháp đã đề ra, thậm chí phải nghiêm ngặt hơn nữa để sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Không bị động, bất ngờ nếu dịch bệnh phức tạp hơn
Ngày 3/8 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có Kết luận số 31-KL/TU về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy nhận định, hiện dịch bệnh trên địa bàn vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường; xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng lớn, nhiều ca bệnh trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây.
Qua công tác chủ động rà soát, giám sát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính SARS-CoV-2, và có thể còn có nhiều ca bệnh ngoài cộng đồng chưa được phát hiện. Đặc biệt là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh, chuỗi cung ứng hàng hóa...
Vì vậy, để siết chặt hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả, thực chất hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị triển khai nghiêm túc 12 biện pháp cấp bách.
Một trong 12 biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch được nhấn mạnh là yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố và Sở Chỉ huy thành phố tổng hợp, phân tích, đánh giá, nhận định chính xác tình hình để chỉ đạo đúng, trúng, kịp thời; chủ động dự báo tình hình, xây dựng phương án phòng, chống dịch ở mức cao hơn…
Trao đổi với PV Dân trí, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, việc chủ động dự báo tình hình, xây dựng phương án phòng, chống dịch ở mức cao hơn là quan điểm xuyên suốt trong công tác chỉ đạo chống dịch của thành phố.
Trong đó, việc dự báo các tình huống, cấp độ của dịch trên cơ sở đánh giá sát tình hình, diễn biến thực tiễn là tiền đề để Hà Nội chuẩn bị các phương án, kịch bản ở mức độ cao. Việc này sẽ giúp Hà Nội không bị động, bất ngờ nếu dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn.
"Thực tế từ trước đến nay, đây là quan điểm xuyên suốt trong công tác chỉ đạo chống dịch của Trung ương, thành phố" - ông Phong khẳng định.
Đặc biệt, ngày 4/8 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Y tế triển khai các kịch bản chi tiết chủ động ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ, diễn biến thực tế. Có phương án dự phòng trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội…