1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội cho phép mở hàng quán tại một số quận, huyện

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Từ 12h trưa 16/9, Hà Nội cho phép mở hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán mang về), kinh doanh văn phòng phẩm… tại các quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

Hà Nội cho phép mở hàng quán tại một số quận, huyện - 1

(Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Nội dung nêu trên nằm trong công văn số 3084/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký, ban hành vào chiều 15/9 gửi các cơ quan liên quan.

Cụ thể, từ 12h trưa ngày 16/9, đối với địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9) được hoạt động một số loại hình kinh doanh.

Bao gồm, cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Hà Nội cho phép mở hàng quán tại một số quận, huyện - 2

Một quán phở gia truyền nằm trên phố Nguyễn Sơn đã được mở bán mang về từ vài ngày trước do chính sách nới lỏng của quận Long Biên (Ảnh: Mạnh Quân).

Về quá trình tổ chức thực hiện kinh doanh các lĩnh vực nêu trên, Hà Nội yêu cầu các cơ sở, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương.

Các cơ sở phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, phải khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K; quét mã QR bắt buộc đối với khách đến mua hàng…

Chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Hà Nội yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn triển khai các tiêu chí, điều kiện, biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc phải kiểm soát được dịch bệnh, độ bao phủ vắc xin, ý thức chấp hành của người dân…

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, Hà Nội giao phối hợp với các quận, huyện thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng quét mã QR cho toàn bộ người dân, các nhà hàng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị… trên địa bàn. Riêng lực lượng Công an thành phố phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, các cơ quan liên quan triển khai nhanh các phần mềm quản lý di biến động dân cư và các dữ liệu phòng, chống dịch theo hướng tích hợp các dữ liệu liên quan vào mã công dân.

Hà Nội cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện sau thời gian giãn cách xã hội và tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý để báo cáo, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch, báo cáo phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ngày 21/9 tới đây.

Trước đó, sau khi nghe báo cáo về kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch và trên cơ sở kết quả đã đạt được, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch và một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9.

Theo UBND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố có quận Thanh Xuân thuộc nguy cơ rất cao;

2 quận nguy cơ cao là Hoàng Mai, Đống Đa;

9 quận, huyện nguy cơ gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng

18 quận, huyện, thị xã còn lại ở mức bình thường mới.

Ngoài việc cho phép 3 nhóm cơ sở kinh doanh nêu trên ở các quận, huyện chưa ghi nhận F0 cộng đồng (tính từ ngày 6/9 đến thời điểm hiện tại), Hà Nội yêu cầu toàn thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 20/CT-UBND được Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành ngày 3/9 vừa qua.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm