Hà Nội cần trở thành động lực phát triển của ASEAN
(Dân trí) - Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định Hà Nội cần được đặt vị thế là động lực phát triển của ASEAN, thậm chí của châu Á chứ không chỉ gói gọn trong vùng, quốc gia.
Ngày 21/11, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại diện cho liên danh tư vấn quy hoạch thủ đô trình bày tham luận tại hội nghị, GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận diện 5 điểm nghẽn trong phát triển Hà Nội hiện nay.
Cụ thể, thủ đô thiếu thể chế; hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt hạ tầng giao thông công cộng, đường sắt đô thị chưa phát triển; quy hoạch đô thị và các quy chuẩn kèm theo còn chưa hoàn thiện; ô nhiễm môi trường và các quy định về phòng chống lũ còn hạn chế.
Cùng với đó, ông Cường cho rằng ý thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi trong bộ máy quản lý còn hạn chế, e dè, né tránh, không tạo được những đột phá, dám nghĩ dám làm trong thực thi công vụ.
Trong khi đó, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần xây dựng thủ đô Hà Nội với tư duy không chỉ là thủ đô của đất nước mà còn là một đô thị có sức cạnh tranh. Bởi lẽ, cạnh tranh của quốc gia xét cho cùng chính là cạnh tranh của các đô thị lớn.
"Tại sao chỉ đặt Hà Nội là trung tâm động lực phát triển của vùng, của quốc gia, mà không đặt là trung tâm của ASEAN, châu lục? Tại sao chỉ nghĩ quy hoạch đến năm 2065 mà không tính đến năm 2100? Năm 2065 đến nơi rồi, vài chục năm nữa đối với chúng ta thì dài nhưng với lịch sử thì ngắn", ông Hiển đặt câu hỏi.
Cho rằng thủ đô còn nhiều vấn đề bức bối và tiềm năng phát triển "chưa bung ra được", nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định nếu quyết tâm thực hiện Luật Thủ đô thì nhiều việc có thể giải quyết. Đồng thời, ông đề nghị Hà Nội cần cơ chế đặc thù để phát triển.
Ông Hiển cũng cho rằng tư duy quy hoạch của Hà Nội không theo kịp sự phát triển. Lấy ví dụ về đề xuất Hà Nội phải "làm sống lại" các con sông bởi đó là mạch máu, ông cho biết thành phố đã loay hoay suốt nhiều năm qua, ngay cả trong việc xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.
Đề cập thêm về phát triển không gian ngầm, ông Hiển nhấn mạnh chi phí cho hạng mục này rất lớn nhưng "không làm thì đừng nói đến phát triển". Do đó, ông đề nghị Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến quy hoạch hệ thống, không gian ngầm và thậm chí đô thị ngầm.
Trước những yếu tố trên, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội một lần nữa đề nghị thay đổi quan điểm để Hà Nội không chỉ là đô thị có sức cạnh tranh với TPHCM, mà còn là động lực phát triển của vùng, của cả nước và của ASEAN.
Cùng tham gia đóng góp ý kiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng Hà Nội với sự phát triển như hiện nay mà quản trị vẫn như cũ rất khó. Hiện thành phố tiến hành sửa đổi Luật Thủ đô và đây là cơ hội lớn để thể hiện tư duy đổi mới trong phát triển thủ đô.
Theo đó, ông Dũng cho rằng mô hình phân cấp phân quyền cần bổ trợ cho Hà Nội được quyết định các vấn đề lớn như quyền quy hoạch phát triển đô thị bao gồm điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy phép quy hoạch...
Cùng với đó, thành phố cần đảm bảo cung cấp dịch vụ công đô thị; giáo dục mầm non, tiểu học, trung học, các chương trình phúc lợi xã hội; chịu trách nhiệm về các dịch vụ y tế, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố, thúc đẩy phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa; chủ động cơ chế thu chi ngân sách; có quy chế thử nghiệm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh Hà Nội đang cùng lúc thực hiện 3 công việc lớn nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị là sửa đổi Luật Thủ đô, lập Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Theo ông Phong, Nghị quyết 15 được Bộ Chính trị xây dựng và ban hành với tư duy mới với những đánh giá, nhìn nhận và giao nhiệm vụ cho Hà Nội rất khác so với trước. Về cạnh tranh quốc tế, Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu Hà Nội phải có khả năng cạnh tranh với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đến năm 2045 phải là thành phố kết nối toàn cầu.
"Chính vì vậy, tư tưởng Hà Nội không chỉ cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong nước mà phải vươn ra cạnh tranh với thế giới được quán xuyến xuyên suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ nêu trên", ông Nguyễn Văn Phong nói.