1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội cân nhắc thay thế hơn 4.000 cây xà cừ trong nội thành

(Dân trí) - Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 4.000 cây xà cừ, được trồng chủ yếu ở các quận nội thành. Dù là cây to, tỏa bóng mát nhưng lại rất dễ đổ trong mùa mưa bão nên Hà Nội đang cân nhắc tới việc thay thế hàng xà cừ ven đường bằng loại cây khác.

Chiều 31/5, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về việc có nên trồng xà cừ trong đô thị hay không. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 4.000 cây xà cừ (một số quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông chưa được thống kê). Xà cừ trong các quận nội thành được trồng nhiều trên phố Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, La Thành, Yên Phụ, đường Bưởi, đường Láng, đường Phạm Văn Đồng...

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Xuân Hanh cho biết, hầu hết xà cừ được trồng trên các tuyến phố không được thường xuyên chăm sóc ở giai đoạn đầu nên cây phát triển tự nhiên là vươn ra chỗ sáng, có hình dáng to, bị nghiêng, cong không bảo đảm mỹ quan đô thị.

Hàng xà cừ trên đường Kim Mã đã được đánh chuyển về vườn ươm (Ảnh: Hà Trang)
Hàng xà cừ trên đường Kim Mã đã được đánh chuyển về vườn ươm (Ảnh: Hà Trang)

Ông Hanh cũng cho hay thân gỗ xà cừ thuộc nhóm 5, không có giá trị cao về kinh tế. Ngoài ra, bộ rễ xà cừ cần không gian phát triển lớn trong khi vỉa hè Hà Nội hẹp, nhà cửa nhiều, công trình ngầm ngay sát nên thiếu đất cho rễ cây phát triển dẫn đến tán cây nặng, mất cân đối, dễ đổ khi mưa bão.

Phát biểu tại đây, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội thông tin xà cừ không phải là cây khuyến nghị trồng thêm nhưng cũng không phải cây hạn chế phát triển. Rễ cây nổi, ảnh hưởng nhiều đến hạ tầng kỹ thuật, mỹ quan đô thị và không gian vỉa hè.

Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Nghiêm nếu thay thế cây xà cừ thì thành phố cần phải khảo sát cụ thể, phân loại rõ các cây sâu mục, già cỗi, nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần xem xét một số vị trí đặc thù để gìn giữ, bảo tồn xà cừ.

GS.TS Phạm Văn Điển - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp cho rằng vấn đề liên quan đến cây xà cừ là cách xử lý như thế nào cho hợp lý và nếu bỏ xà cừ thì thay bằng cây gì cho phù hợp? Vì vậy, GS. TS Phạm Văn Điển đề nghị thành phố giao một nhóm tư vấn khảo sát, điều tra, thu thập thông tin, phân nhóm, sau đó công khai xin ý kiến cộng đồng xã hội rồi mới tổ chức thực hiện…

Do đây là hội thảo ban đầu về việc thay thế cây xà cừ trên địa bàn thành phố nên Ông Võ Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các nội dung cụ thể còn tiếp tục được bàn thảo. Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND TP Hà Nội về thực trạng cây xà cừ, những ảnh hưởng của sinh hóa thổ nhưỡng, ảnh hưởng đối với đô thị... Từ đó, thành phố sẽ đưa ra giải pháp, phương án xử lý đối với cây xà cừ nhằm đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Quang Phong