1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Hà Nội cải tạo mặt tiền phố Tràng Tiền

Hà Mỹ

(Dân trí) - Việc cải tạo, chỉnh trang toàn bộ mặt tiền nhà dân ở phố Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dự kiến hoàn thành trước ngày 10/10.

Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đang thực hiện dự án cải tạo kiến trúc, cảnh quan, nâng cấp hạ tầng tuyến phố Tràng Tiền. Việc cải tạo được bắt đầu từ cuối năm 2023 và dự kiến hoàn thành để chào mừng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). 

Đơn vị nhận định phố Tràng Tiền hiện có nhiều công trình xuống cấp, mặt tiền thiếu thẩm mỹ do người dân cơi nới, tự lắp biển hiệu thiếu tổ chức. Do đó, quận Hoàn Kiếm lên kế hoạch cải tạo, chỉnh trang lại toàn bộ mặt tiền của tuyến phố này. 

Việc cải tạo tập trung từ ngã ba Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng đến đoạn giao với phố Nguyễn Xí. Khu vực này có khoảng 50 hộ dân chủ yếu nằm trên tầng hai. Tầng một là các cửa hiệu.

Trước khi cải tạo, đơn vị chức năng đã yêu cầu tháo dỡ các hạng mục cơi nới. Quá trình thi công, người dân được đảm bảo điều kiện để sinh hoạt bình thường, không gây xáo trộn. 

Hà Nội cải tạo mặt tiền phố Tràng Tiền - 1

Mặt phố Tràng Tiền được cải tạo và chỉnh trang lại, bắt đầu từ cuối năm 2023 (Ảnh: Hà Mỹ).

Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết việc chỉnh trang mặt tiền tuyến phố này được chia làm 3 loại.

Trong đó, các công trình có ý nghĩa lịch sử sẽ được bảo tồn, giữ nguyên gốc, chỉ trùng tu và bảo dưỡng. Công trình không mang nặng yếu tố lịch sử nhưng đã xuống cấp, ảnh hưởng mỹ quan sẽ được can thiệp ở mức độ vừa phải. 

Loại thứ ba là hạng mục không nằm trong hai loại trên thuộc quản lý của tư nhân, có khả năng xây mới. 

Hà Nội cải tạo mặt tiền phố Tràng Tiền - 2

Tràng Tiền là tuyến phố nối giữa hồ Gươm và quảng trường Cách mạng tháng Tám trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội (Ảnh: Hà Mỹ).

Theo khảo cứu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, Tràng Tiền xưa là phố đầu tiên của Hà Nội xây dựng theo kiểu phương Tây, nghĩa là có cống thoát nước. Phố có mặt đường rộng, nhà hai bên thẳng hàng và có vỉa hè rộng dành cho người đi bộ. 

Năm 1885, phố có tên là Thợ Khảm (bao gồm Tràng Tiền và Hàng Khay) ngày nay và được đổi tên thành Paul Bert năm 1887.

Đến nay, dọc tuyến phố này có nhiều cửa hàng, cửa hiệu bày bán những sản phẩm cao cấp như quần áo, mỹ phẩm của nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm