1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội “bác” kết luận thanh tra vỉa hè, lòng đường của Bộ GTVT

(Dân trí) - Trong khi Bộ GTVT cho rằng quản lý, sử dụng lòng đường Hà Nội còn nhiều tồn tại như cấp phép trông giữ xe thuộc danh mục phố cấm, phố không đủ rộng… thì Sở GTVT Hà Nội khẳng định, đã làm đúng quy định. Sở cũng "bác" con số thất thoát 20 tỷ đồng...

Chỉ vài ngày sau khi Bộ GTVT đưa ra kết luận trên, ngày 24/7, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng có báo cáo gửi cả Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ GTVT giải trình những vấn đề được cho là còn tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn Hà Nội.
 
Hà Nội bác kết luật của Bộ GTVT về quản lý hè đường

Bãi xe cạnh hồ Hoàn Kiếm (phố Đinh Tiên Hoàng), Bộ GTVT cho là vi phạm quy định trong danh mục 262 tuyến phố cấm trông giữ trên vỉa hè, dưới lòng đường, nhưng Sở GTVT khẳng định không cấp phép trông giữ lòng đường mà chỉ cấp phép tại bến xe điện bờ hồ cũ.

Về phía Bộ GTVT, sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn Hà Nội đã chỉ ra rằng, Sở GTVT cấp phép sử dụng lòng đường phố để đỗ xe ô tô trong khi chiều rộng lòng đường không đảm bảo theo quy định tại thông tư 04 của Bộ Xây dựng (quy định lòng đường hai chiều tối thiểu là 10,5m, lòng đường một chiều tối thiểu là 7,5m). Đáp lại, sở GTVT cho biết đã thực hiện đúng thông tư 39 của Bộ GTVT sau khi liên ngành Công an thành phố - Sở GTVT khảo sát đảm bảo an toàn giao thông, không ùn tắc giao thông và cấp cho các đơn vị sau khi có đề nghị của chính quyền địa phương đảm bảo PCCC để giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của nhân dân. Và các giấy phép Sở GTVT cấp đều là tạm thời.

Để chứng mình cho kết luận của mình, Bộ GTVT liệt kê hàng loạt tuyến phố được cho là không đảm bảo về chiều rộng lòng đường theo quy định của Bộ Xây dựng, như việc Sở GTVT cấp giấy phép cho Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội các điểm trông giữ xe dưới lòng đường trên các phố Đĩnh Lễ, Nguyễn Xí, Lê Phụng Hiểu, Lê Lai, Hàng Chai... Sở Giao thông cũng cho phép công ty này trông giữ xe dưới lòng đường phố Đào Tấn diện tích 174m2 các nút giao 10m. Công ty này còn được phép trong giữ xe ô tô dưới lòng đường Đội Cung, Cao Đạt khi lòng đường tối thiểu không đủ 10,5m (thời hạn từ 3/1 đến 3/7/2012).

Ngoài ra, Sở GTVT cấp cho Công ty cổ phần Đồng Xuân trông giữ ô tô dưới lòng đường trên các tuyến phố Ngõ Gạch (lòng đường 5,8m), phố Hàng Bút (lòng đường 5,8m), phố Gia Ngư (lòng đường rộng 5,7m). Công ty Cổ phần Mặt trời mọc, Công ty TNHH Anh Duy, Công ty TNHH Đệ Nhất, công ty khai thác điểm đỗ được trông giữ, dừng, đỗ xe ô tô dưới lòng đường phố Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tuệ Tĩnh khi lòng đường tối thiểu không đủ 10,5m. Sở cấp cho Công ty CPDL và TM Dân chủ đỗ xe ô tô dưới lòng đường phố Nguyễn Khắc Cần trong khi lòng đường tối thiểu không đủ 10,5m.

262 tuyến phố vừa UBND thành phố Hà Nội đưa vào danh mục tuyến phố cấm tổ chức trông giữ phương tiện trên hè phố, dưới lòng đường (văn bản 796). Qua kiểm tra, Bộ GTVT cho rằng Sở GTVT cấp phép cho các công ty trông giữ phương tiện ở một số tuyến phố cấm.
 
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT giải trình: sau khi thành phố ban hành văn bản 796, Sở GTVT đã cùng Công an thành phố và chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa, thực hiện nghiêm theo đúng nội dung văn bản. Tại thông báo số 41 UBND thành phố giao cho liên ngành rà soát các điểm không ùn tắc giao thông, không ảnh hưởng đến người đi bộ thì cấp phép cho các cơ quan, tổ chức để giải quyết nhu cầu bức xúc của nhân dân về nhu cầu giao thông tĩnh.

Cụ thể, trong kết luận Bộ GTVT cho hay sở GTVT đã cấp phép cho Công ty TNHH Hà Nội bốn mùa được sử dụng 200m2 lòng đường phố Đinh Tiên Hoàng (tuyến phố nằm trong danh mục thành phố quy định tuyến phố không đượng trông giữ phương tiện dưới lòng đường) trông giữ xe ô tô có thu phí. Về việc này, Sở GTVT khẳng định không cấp phép trông giữ xe lòng đường phố Đinh Tiên Hoàng mà chỉ cấp phép tạm thời tại bến xe điện bờ hồ cũ phù hợp với quyết định của UBND thành phố Hà Nội về quy hoạch giao thông tĩnh.

Bộ GTVT cũng chỉ ra các điểm trông giữ xe dưới lòng đường Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật (đối diện bệnh viện 108) là phạm vào danh mục các tuyến đường cấm tổ chức trông giữ phương tiện trên hè phố, lòng đường theo quy định của UBND thành phố. “Trên phố Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật tại các vị trí đã thiết kế vịnh để đỗ xe (không phải là lòng đường, vỉa hè, không ảnh hưởng đến giao thông) để giải quyết cho nhu cầu nhân dân và bệnh viện phù hợp với quyết định của thành phố”, ông Hùng đáp lại "cáo buộc" từ Bộ.
Một tuyến phố Bộ GTVT cho là lòng đường còn Sở GTVT nói là bến

Một tuyến phố Bộ GTVT cho là lòng đường còn Sở GTVT nói là bến

Đối với điểm dừng đỗ xe dưới lòng đường từ số 34 - 38 phố Hai Bà Trưng của công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội với diện tích 80m2 (chưa có văn bản thu hồi) Bộ GTVT cũng cho rằng đã vi phạm văn bản 796 của thành phố, Giám đốc Sở GTVT cho rằng, việc cấp cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội là điểm đỗ, dừng để tổ chức cá nhân đến giải quyết các thủ tục hành chính tại Sở Tài chính (không phải là điểm kinh doanh trông giữ xe).

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định, sở khi cấp phép tổ chức thu phí và lệ phí theo đúng quyết định của UBND thành phố. Đối với Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội là doanh nghiệp công ích thực hiện nhiệm vụ của thành phố, Sở GTVT thực hiện theo đúng nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND thành phố. “Do vậy, các khoản thu phí phải nộp Sở GTVT đúng theo pháp luật. Việc thanh tra Bộ GTVT kết luận thất thoát 20 tỷ đồng một năm là chưa có cơ sở”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội còn cho hay, khi tiến hành thanh tra, đoàn Thanh tra của Bộ GTVT mới làm việc một lần với sở và chưa thu thập đầy đủ các hồ sơ, số liệu cần thiết liên quan đến việc ra kết luận thanh tra. Sở GTVT Hà Nội thấy rằng việc này chưa phù hợp theo điều 30 Nghị định 86 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm