1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

GS.TSKH Phan Văn Quýnh: Tắc trách trong quản lý khiến thiên nhiên nổi giận

GS Phan Văn Quýnh khẳng định dạng lũ lụt giống như ở miền Trung thời gian qua sẽ còn lặp lại nhiều lần, vì phá nhà máy thủy điện là điều bất khả thi.

Nhưng điều cốt lõi không phải vì thủy điện mọc lên như nấm mà gây lũ lụt, vấn đề ở chỗ chúng ta không hoàn thiện dự án như đã vẽ ra ban đầu. Chẳng hạn thủy điện làm xong phải trồng lại rừng nhưng nhà đầu tư không làm. Cũng như vậy, khai thác bô-xít xong thì phải trồng rừng để trả lại, nhưng thực tế thì chỉ hứa. Trách nhiệm cuối cùng trước những cơn thịnh nộ của thiên nhiên hóa ra vẫn thuộc về nhà quản lý. Chính họ đã không giám sát để quy trình hồi phục tự nhiên được diễn ra, sau khi chúng ta khai thác vô tội vạ. Kết quả, người dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề này.

Phá thủy điện là bất khả thi nên sẽ còn ngập lụt

PV: Thưa giáo sư mấy ngày qua, bên lề kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã có rất nhiều ý kiến về vấn đề thủy điện xả lũ, gây thiệt hại cho dân. Ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện này?

GS.TSKH Phan Văn Quýnh: Tốc độ nước đến và đi rất khác nhau, nghĩa là nguồn nước thủy điện xả nhiều hơn hẳn nguồn nước tự nhiên. Bình thường hồ thủy điện có nhiệm vụ tích nước cho mùa khô cộng với nước do mưa nên buộc phải xả nếu không sẽ dẫn đến vỡ đập. Đợt lụt vừa rồi ở miền Trung, nguyên nhân do xả nước ở các hồ thủy điện là đúng sự thật. Với tốc độ nước như vậy, chỉ 2-3 tiếng là ngập hết nhà.

Trên thực tế thì chúng ta mới chỉ có quy trình vận hành đơn hồ, còn liên hồ thì lại chưa nên dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy xả. Các thủy điện vì lợi ích cục bộ của mình nên ai cũng giữ nước, cho dù có dự báo mưa bão lớn cũng không chịu xả. Đến khi hoàn lưu của bão số 15 gây mưa lớn buộc phải xả nước, họ mới xả nên gây ra lụt lội như thế.

Nếu như chúng ta làm tốt như quy định là phải xây dựng quy trình vận hành hồ chứa, kể cả hồ thủy lợi và thủy điện trên 11 lưu vực sông thì đã không có câu chuyện ngập lụt của mấy ngày qua.
GS Phan Văn Quýnh
GS Phan Văn Quýnh

PV: Như vậy rõ ràng, câu chuyện ngập lụt khiến miền Trung đang vật lộn với cảnh lũ chồng lũ, người dân chìm trong tang thương, mất mát là có nguyên do không ít từ việc làm thủy điện gây ra?

GS.TSKH Phan Văn Quýnh: Theo tôi, các nhà làm thủy điện phải chịu trách nhiệm với dân, có tiền đền bù cho họ để họ nâng nhà lên cao hơn. Chưa kể thiệt hại hoa màu cũng phải có phương án đền bù. Trước đây phía đánh giá thiệt hại do các nhà máy thủy điện gây nên chỉ nói rằng, phải di dân xung quanh các khu vực hồ chứa, cấp tiền cho họ nhưng chưa bao giờ chúng ta đề cập đến vấn đề vùng hạ lưu sẽ như thế nào. Bây giờ phải có biện pháp cụ thể giải quyết vấn đề đó.

Thứ nhất, phải có kịch bản. Nếu xả 1, 2 nhà máy hay toàn bộ nhà máy thì ngập đến mức độ nào và xử lý hậu quả ra sao? Thứ hai, về mặt kinh tế, phải có tiền bổ trợ cho những vùng ngập lụt do xả nước gây ra. Tức là phải xây dựng lại mô hình sống của vùng hạ lưu. Ví dụ, ngày xưa nhà chỉ 1 tầng thôi bây giờ sẽ phải xây thêm tầng thứ hai để chứa các đồ thiết yếu như thóc, lúa, sách vở, tivi… Bây giờ phá thủy điện đi là bất khả thi nên chuyện ngập lụt sẽ vẫn còn lặp đi lặp lại trong nhiều năm nữa do biến đổi khí hậu. Trước mùa lũ vừa rồi mới chỉ Đắk Mi 1 xả thôi đã ngập không kịp trở tay, nếu cả mạng lưới xả thì đối phó sao nổi? Điều đáng chú ý là thời gian vừa qua có rất nhiều tư nhân đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện do họ làm kinh tế và Nhà nước quản lý không chặt nên mới nảy sinh ra vấn đề này. Tư nhân chỉ đầu tư về thủy điện, còn vấn đề môi trường Nhà nước lại phải quản lý. Vì vậy, hiện giờ công nghiệp và các ngành khác được hưởng lợi còn đời sống nông thôn, môi trường lại bị hủy hoại.

PV: Theo giáo sư, việc nhà máy thủy điện “mọc lên như nấm” trong thời qua có thể nhìn thấy cái hại nhãn tiền là gì?

GS.TSKH Phan Văn Quýnh: Nhà máy thủy điện mọc lên nhiều như vậy là chạy theo lợi nhuận chứ không phải căn cứ vào một nghiên cứu khoa học nào cả. Ở đây là lợi ích nhóm làm thủy điện đã ảnh hưởng đến nhóm làm nông nghiệp, môi trường, dân cư. Rõ ràng đây là do cách quản lý của mình đang có vấn đề.

Nhà nước mình là Nhà nước có kế hoạch nhưng do nhiều nguyên nhân có nhiều kế hoạch bị phá vỡ.

Các thủy điện lớn mình làm kỹ và dung tích hồ lớn. Các thủy điện hiện nay hồ nhỏ nên cứ mưa lớn là đầy tràn. Về khoa học, dung tích hồ chứa quá nhỏ nên tràn hồ là điều tất yếu của thủy điện miền Trung. Khác biệt giữa thủy điện miền Trung và miền Bắc là dung lượng hồ chứa.
PV:

PV: Nhưng cũng đã có ý kiến phát biểu rằng, đợt lụt vừa rồi là hoàn cảnh bất khả kháng, thưa giáo sư?

GS.TSKH Phan Văn Quýnh: Hoàn toàn đúng. Nhưng chính mình tự tạo ra cái bất khả kháng đó. Cái cần làm bây giờ không phải là bàn cãi về cái đã qua mà là giải quyết cái sắp đến. Muốn xả thủy điện, biện pháp giải quyết sẽ là như thế nào và anh phải phân chia lợi nhuận nhằm tái thiết lại vùng hạ lưu.

Giờ mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi. Chúng ta phải chấp nhận và việc cấp thiết nhất là nhà máy thủy điện phải phân chia lợi nhuận cho dân hạ lưu cũng như đối với những hộ sống quanh vùng hồ chứa để họ sớm tái thiết lại cuộc sống. Như trong vụ thủy điện sông Tranh vừa rồi, nhà nào hỏng nhiều đền bù 4 triệu, ít thì 2 triệu, dân người ta yên tâm. Cách khắc phục rất hay này không chỉ nên áp dụng cho sông Tranh mà cho toàn bộ khu vực.

PV: Mọi người đều nói bão lụt là cơn thịnh nộ của thiên nhiên đối với con người, vậy đứng trên góc độ khoa học ông lý giải thế nào về vấn đề này, nó có liên quan gì đến vấn đề biến đổi khí hậu?

GS.TSKH Phan Văn Quýnh: Nói về quyền lợi con người, bao giờ họ cũng nói bão là tai họa, nhưng ở góc độ tự nhiên, đó là hiện tượng bình thường. Trên trái đất này, nếu không có bão con người cũng không tồn tại được. Bão sinh ra để xóa bỏ những mâu thuẫn trong các áp thấp khí quyển để hướng tới sự cân bằng. Nó là hiện tượng tự nhiên tất yếu chứ không có gì bất thường cả. Con người phải học cách phòng tránh nó. Khi biến đổi khí hậu, nhiệt độ áp suất thay đổi thì tính chất bão cũng phải thay đổi.

Nếu nói bão năm nay là lớn nhất thì sắp tới có thể sẽ còn lớn hơn nữa. Mưa lũ là hiện tượng tự nhiên bình thường, phải có mưa thì anh mới có nước sinh hoạt. Vấn đề là khi nó ảnh hưởng tới cuộc sống con người họ mới kêu ca như thế. Sông cũng bên lở bên bồi, đó là quy luật của dòng sông nhưng con người lại muốn sống trái quy luật để rồi khi nó làm ảnh hưởng mình lại kêu ầm lên. Quy luật cuộc sống là con người nên chung sống hòa thuận với tự nhiên để đi đến phát triển bền vững, nếu cưỡng chế lại tự nhiên, điều tất yếu là chúng ta sẽ vấp phải những bài học đắt giá vì sức mạnh của thiên nhiên lớn hơn sức mạnh con người nhiều.

Người ta đã bất chấp hậu quả vì tiền

PV: Nhưng rõ ràng không phải ở đâu xa lạ mà ngay chính trên đất nước ta, sự can thiệp vào thiên nhiên dường như rất “thô bạo”, thể hiện ở việc khai thác thủy điện, khoáng sản, rừng bừa bãi, không theo bất cứ quy trình nào. Lỗi này, theo giáo sư do đâu?

GS.TSKH Phan Văn Quýnh: Ngày trước công nghiệp chưa phát triển thì sự can thiệp chưa đến mức nào, nhưng giờ sự hấp dẫn của lợi nhuận lớn quá nên họ bất chấp làm tất cả mọi chuyện vì tiền. Nếu Nhà nước chúng ta có kế hoạch thì những người quản lý phải chịu trách nhiệm về chuyện đó. Giống như chuyện bất động sản, cần có 3 người chịu trách nhiệm, đó là người quản lý, tư bản ngân hàng và nhóm đầu cơ đất đai.
Triều cường ở TP Hồ Chí Minh
Triều cường ở TP Hồ Chí Minh

PV: Liệu có phải vì chúng ta vô tình ưu tiên phát triển cái gọi là khoa học kỹ thuật mà quên mất rằng, bảo vệ thiên nhiên cũng là một điều tiên quyết trong sự phát triển?

GS.TSKH Phan Văn Quýnh: Cái gọi là ưu tiên phát triển khoa học kỹ thuật ở Việt Nam mình thực chất chỉ là hình thức. Chính các nhà quản lý không biết đòi hỏi gì ở khoa học nên các dự án hiện nay phần nhiều chỉ ở trên giấy. Một số dự án báo cáo lên tới cả 10 tỉ đồng, nhưng nói thật tôi cho nó chỉ đáng giá 50 nghìn đồng. Họ thắc mắc tại sao tôi trả rẻ thế, sao rẻ được vì thực chất nó chỉ xứng bán cho đồng nát khi chắp chỗ này một đoạn chỗ khác một miếng. Như thế thì sao khoa học phát triển được. Nghiên cứu khoa học bây giờ phải yêu cầu ra thành quả cuối cùng, chẳng hạn muốn có cái tàu chạy ra Trường Sa thì phải làm gì?… Nhưng từ trước tới nay, mình chỉ chăm chăm quan tâm chuyện anh đi ra đó mất bao nhiêu ngày, ngủ ở khách sạn nào, tổng hóa đơn hết bao nhiêu? Lẽ ra những chuyện đó không cần, chỉ cần biết tôi cấp cho anh 10 tỉ, ít ra tôi cũng phải có được 1 chân vịt của tàu để chạy ra Trường Sa chẳng hạn… Mình lắp 100 cái máy báo lũ trên Lào Cai, lũ về không có một cái máy nào kêu cả.

Còn năm nay là biến đổi khí hậu toàn cầu. Băng tan cũng dẫn đến nước ngập chứ không phải chỉ do CO2 mà con người thải ra đâu. Có thời kỳ đại hồng thủy, nước lên rất cao, không phải do con người vẽ ra như thế mà thực sự nó như vậy. Thiên nhiên có quy luật phát triển của nó, lên xuống thay đổi liên tục. Ngày xưa có người đâu mà khủng long vẫn chết hàng loạt. Khi đã có kiến thức khoa học chúng ta nhận ra rằng, sự biến đổi của tự nhiên vô cùng phức tạp và khoa học đóng góp giải pháp theo chiều hướng nào.

Con người muốn sống phải mạnh

PV: Vậy giáo sư có ý kiến thế nào về việc, con người phá vỡ môi trường sinh thái mới gây nên hậu quả về thiên tai như thời gian qua?

GS.TSKH Phan Văn Quýnh: Con người Việt Nam có nhiều mặt tốt nhưng cũng nhiều nhược điểm. Ví dụ, người ta gánh nặng thì phải nghĩ ra cái xe đẩy hoặc máy hơi nước, phương Tây họ làm được nhưng Việt Nam hàng ngàn năm gánh vẫn cứ gánh, đau vai cũng cam chịu. Chỉ chịu đựng giỏi chứ không chịu sáng tạo, cải tiến.

Cũng như vậy, bão lũ nhiều như thế phải có kịch bản, Nhà nước và nhân dân phải suy nghĩ tìm cách khắc phục. Xung quanh mình là núi đồi mà sao không làm nhà cao hơn một chút hoặc có kho chứa thực phẩm để lên cao. Nghĩa là con người phải học cách đối mặt với những khó khăn đó. Chẳng hạn trên đèo Hải Vân phải có một trung tâm cứu trợ, kho lương thực cứu trợ để khi bão lũ về có trực thăng thả mì, nước, quần áo cho vùng thấp. Trung tâm cứu trợ đó bao hàm cả việc quản lý và tự tổ chức. Phải làm chứ đừng chỉ ngồi chờ.
Lũ lụt ở miền Trung
Lũ lụt ở miền Trung

PV: Vậy do các nhà quản lý không biết “nhìn xa”, hay do con người “vô tư” tàn phá thiên nhiên đã mang lại hậu quả như cha ông ta đã từng nói “của thiên trả địa”, thưa giáo sư?

GS.TSKH Phan Văn Quýnh: Vấn đề ở chỗ chúng ta không trung thực. Thủy điện làm xong phải trồng lại rừng nhưng có trồng đâu, hay khai thác bô-xít xong thì phải trồng rừng để trả lại nhưng thực tế thì chỉ hứa thế thôi chứ không ai làm cả. Về mặt khoa học, nếu bóc lớp bô-xít đi mà trồng lại rừng mới còn tốt hơn vì cây không bị các chất khác ảnh hưởng đến sinh trưởng. Vậy ở đây trách nhiệm của người quản lý chúng ta là gì? Không làm thì phạt, sòng phẳng ngay. Nhưng đáng tiếc là cơ quan quản lý không chặt chẽ, không buộc chủ đầu tư đảm bảo quy trình, có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho dân thì mới vận hành. Vì quản lý lỏng lẻo nên đã để lại hậu quả rất nặng nề cho người dân.

PV: Theo giáo sư, thiên nhiên luôn biến đổi khôn lường, vậy chúng ta cần chuẩn bị như thế nào để đối phó với những biến đổi đó?

GS.TSKH Phan Văn Quýnh: Những vấn đề thuộc về quy luật tự nhiên thì ngàn đời nay vẫn có. Bản thân chúng ta phải chấp nhận để từ đó tìm cách khắc phục. Biến đổi khí hậu toàn cầu có khả năng khắc phục nếu như cả thế giới đồng lòng, từng cá nhân một suy nghĩ sâu sắc về vấn đề này.

Bất cứ thảm họa thiên tai nào xảy ra, sức tàn phá ghê gớm của nó cho thấy chúng ta đang thua trong cuộc chiến không cân sức giữa con người và những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Điều này sẽ tái diễn khủng khiếp hơn nếu ta không đoàn kết chiến đấu chống lại nó.

Chẳng hạn chiếc xe Honda Nhật đã chế tạo rồi, về đây anh phải nghĩ ra cách nào chế tạo động cơ chạy được cả trong nước. Trong lũ lụt, những ngày đầu thường không đói vì gà, cá bắt ăn tha hồ, chỉ mấy ngày sau lũ mới đói dài. Có nhiều phóng viên đưa tin về lũ lụt mà toàn cảnh khóc lóc, thương xót, vậy mới có câu chuyện “Mátxcơva không tin vào những giọt nước mắt”. Tất nhiên, toàn dân phải đồng cảm với họ nhưng báo chí phải tuyên truyền tạo ra một con người có nghị lực chứ không nên yếu đuối, khóc lóc. Chiến tranh ngày xưa bao nhiêu người chết vẫn phải gồng mình lên mà chiến đấu.

Ví dụ như cán bộ chủ trương không được đi vớt gỗ trôi, nhưng tôi nghĩ là nên đi vớt. Người miền Trung dũng cảm, lao mình đi vớt gỗ. Thế giới muốn sống phải mạnh mẽ. Đông Nam Á gần đây liên tục đưa ra những con số về người chết đuối, Philippines cũng thế, nghĩa là đã ở vùng sông nước thường xuyên có bão lũ phải biết bơi. Muốn sống phải mạnh, một đất nước muốn mạnh lên phải đưa con người có những suy nghĩ mạnh mẽ như vậy. Người Việt Nam có cái không hay là gặp thủ trưởng thì cúi đầu khép nép nhưng gặp một đứa cấp dưới thì ưỡn ngực, vỗ vai. Lẽ ra một con người đàng hoàng không được có những thái độ đó, với cấp trên cương trực, đàng hoàng, với cấp dưới phải dang tay giúp đỡ. Vấn đề là ở chỗ đó, cái cách ứng xử, đối phó với sự việc xảy ra là điều mà mọi người cần và nên học.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Thái Linh 

Petrotimes