GS Nguyễn Thiện Nhân: "Thu nhập cao không chỉ có vui đâu, mà rất lo"
(Dân trí) - Nhắc đến mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân lưu ý bài học từ các nước là "giàu nhưng không tái tạo được con người cho đất nước".
Ngày 4/9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 20 khóa IX, để thảo luận về dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X và cho ý kiến về danh sách dự kiến nhân sự tham gia Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X.
Đất nước giàu nhưng người dân không giàu
Nêu ý kiến tại hội nghị, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phản ánh thực tế ở các thành phố lớn, nhiều gia đình không muốn đẻ con thứ hai.
"Nếu tư tưởng này còn tồn tại sẽ dẫn đến tình trạng già hóa dân số. Nước ta sẽ già trước khi giàu và chưa giàu đã già hóa", bà Liên cảnh báo đây là một vấn đề đáng báo động hiện nay.
Nói thêm về thực trạng này, ông Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nhắc đến mục tiêu năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao.
"Nhưng nếu là nước thu nhập cao thì không chỉ có vui đâu, mà rất lo, vì những nước thu nhập cao đang gặp khó khăn, có nhược điểm ta cần tránh, đó là giàu nhưng không tái tạo được con người cho đất nước", ông Nhân nói.
Dẫn chứng được ông Nhân đưa ra là câu chuyện về Nhật Bản, một quốc gia có thu nhập cao.
Theo giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, năm 1972, GDP đầu người của Nhật Bản bằng 50% của Mỹ, nhưng đến năm 1995 đã bằng 150% của Mỹ. Tức là chỉ trong 23 năm, Nhật Bản từ một nước thu nhập bằng một nửa của Mỹ đã vươn lên gấp rưỡi.
Gọi đó là kỳ tích, song theo ông Nhân, việc này cũng có hậu quả, khi từ năm 1996 đến nay, GDP Nhật Bản nằm ngang trong 28 năm liền. Tức là sau khi làm cú nhảy ngoạn mục, hiện nay GDP Nhật Bản bằng 41% của Mỹ.
"Nhật Bản có dân số hơn 120 triệu người, dồn hết sức tăng vọt kinh tế nhưng cuộc sống người dân không đủ điều kiện cần thiết để họ có gia đình và nuôi được 2 con. Đất nước giàu nhưng người dân không giàu", ông Nhân nói.
Ông cho biết Thủ tướng Nhật Bản từng tuyên bố khủng hoảng lớn nhất của nước này là khủng hoảng dân số, phải giải quyết bây giờ hoặc không bao giờ.
Câu chuyện thứ hai giáo sư Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, là của Hàn Quốc.
Năm 1975, GDP đầu người của Hàn Quốc bằng 17% của Nhật Bản nhưng năm 2018 bằng 101% của Nhật Bản. Thành tích này, theo ông Nhân, là quá giỏi, nhưng cũng để lại hậu quả nặng nề.
Từ 2018 GDP nằm ngang, mức sinh ở Hàn Quốc năm vừa rồi của Hàn Quốc còn 0,72. Năm ngoái, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc nói "không có người nhập cư, Hàn Quốc không có tương lai".
Trước thực trạng của hai nước phát triển, có thu nhập cao như Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng không tái tạo được con người, ông Nhân cho rằng Việt Nam cần rút bài học kinh nghiệm, phải ứng phó ngay với thực trạng này. Bởi năm ngoái, mức sinh của Việt Nam là 1,96 - lần đầu tiên xuống dưới mức 2.
"Giàu không phải tiền đề để đất nước chuyển đổi. Chúng tôi nghiên cứu 42 nước có thu nhập cao trên toàn thế giới hiện nay đều không đẻ đủ, bình quân chỉ 1,54, và thực trạng này đã kéo dài 40 năm rồi", ông Nhân cảnh báo.
Về định hướng phát triển đất nước, ông Nhân kiến nghị 4 nội dung gồm: người dân hạnh phúc; đất nước giàu mạnh; dân tộc trường tồn và dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhấn mạnh phải coi hạnh phúc của dân là mục tiêu, giáo sư Nhân cho rằng "hạnh phúc không phụ thuộc vào sự giàu có, nghèo cũng có hạnh phúc chứ không phải chờ đến khi giàu mới có hạnh phúc".
Nêu thực tế Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phát triển con người không bền vững, không tái tạo được con người, ông Nhân nhấn mạnh chúng ta cần có giải pháp khắc phục ngay, tránh bài học để chậm 25 năm như Nhật Bản.
Đề cao vai trò của nhân dân trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Sau khi nghe dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, ông Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) góp ý cần nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bởi thực tế, nhân dân chính là người phát hiện nhiều vụ tiêu cực, tham ô, lãng phí thời gian qua.
Dẫn chứng, ông Nguyễn Túc nhắc lại vụ Trịnh Xuân Thanh được phanh phui từ việc nhân dân phản ánh về chiếc xe biển xanh.
"Muốn hạn chế tham nhũng, tiêu cực phải nâng cao vai trò của nhân dân vì hầu hết là phát hiện của dân, chính từ phát hiện đó mà các cơ quan vào cuộc mới xác định được tham nhũng", ông Túc nói.
Ông đồng thời đề nghị công tác giám sát, phản biện phải làm mạnh mẽ hơn nữa.
Trong khi đó, ông Lê Truyền (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) chia sẻ tâm tư khi "chưa bao giờ số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu bị xử lý với nhiều mức độ khác nhau như cho nghỉ, thôi việc, xử lý bằng pháp luật" như trong nhiệm kỳ này.
Điều này phản ánh kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực, song theo ông Truyền, cũng phản ánh chất lượng đội ngũ cán bộ của chúng ta không ổn định.
Ông Truyền chia sẻ tâm tư khi Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam liên tục hỏi ý kiến việc về việc cho người này, người khác nghỉ nhưng không được giải thích rõ lý do.
"Đoàn Chủ tịch có nhiệm vụ xem xét chất lượng cán bộ, khi có vấn đề Đoàn Chủ tịch có thể chủ động đề xuất ý kiến chứ không phải chỉ chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỏi ý kiến mới trả lời, nhưng việc này chưa bao giờ làm được", ông Truyền băn khoăn.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết dự kiến Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X tổ chức trong 3 ngày 16-18/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Đại hội dự kiến đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu chỉ đạo.