1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Gom dịch vụ nhạy cảm vào “một rổ”?

(Dân trí) - Tệ nạn mại dâm đang có nhiều hình thức tinh vi và khó lường. Con số 9.643 người bán dâm chưa phản ánh hết được tính phức tạp của hoạt động này. Trong khi đó, đã có ý kiến cho rằng nên tập trung các dịch vụ nhạy cảm vào những điểm cố định để dễ quản lý.


Một trang web hoạt động môi giới mai dâm vừa bị xử lý.

Một trang web hoạt động môi giới mai dâm vừa bị xử lý.

Đây là những thông tin từ Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động phòng chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 23/10 tại Hà Nội.

Gần 10.000 người bán dâm - chưa thực chất!

Hà Nội được xem là một trong những điểm nóng của tình trạng mại dâm. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tình hình mại dâm trên địa bàn thành phố còn nhiều phức tạp. Hoạt động mại dâm đang lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là dịch vụ internet.

“Các đối tượng môi giới có thể lợi dụng mạng internet để cập nhật thông tin, hình ảnh, số điện thoại một cách dễ dàng” - đánh giá của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội.

Qua kiểm tra, tình trạng người bán dâm nam (chủ yếu là đồng tính nam), nam cải trang thành nữ để bán dâm ở các địa điểm công cộng (có phát hiện cả đối tượng vị thành niên) đang gia tăng. Chỉ riêng 5 năm qua, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã điều tra, khám phá 1.088 vụ môi giới, mại dâm; đưa ra xét xử 774 vụ liên quan tới mại dâm…

“Từ năm 2011-2015, các cơ quan chức năng đã truy quét, triệt phá 5.791 vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với 23.231 người vi phạm, gồm 9.643 người bán dâm; 8.206 người mua dâm…Số liệu này tăng 1.572 vụ với 5.837 người vi phạm so với giai đoạn 2006-2010” - Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH.

"Bức tranh" tại TPHCM cũng không khả quan. 5 năm qua, các cơ quan chức năng tại đây đã kiểm tra 44.200 cơ sở, phát hiện 25.389 lượt cơ sở vi phạm các quy định văn hóa, xã hội. Số tiền xử phạt hơn 150 tỉ đồng, chưa kể việc phạt cảnh cáo hơn 1.500 cơ sở, đình chỉ kinh doanh 569 cơ sở, thu hồi giấy phép 83 cơ sở.

Báo cáo của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM cho thấy, mại dâm theo hình thức “gái gọi” có chiều hướng gia tăng. Người bán dâm liên kết thành từng nhóm, có đường dây liên tỉnh hoặc liên kết với hướng dẫn viên du lịch. Tình trạng người bán dâm là người mẫu, sinh viên xuất hiện và vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, đang thách thức tới môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, việc phòng chống và xử lý mại dâm còn gặp nhiều khó khăn như: Hệ thống văn bản quy phạm về phòng chống mại dâm hiện nay chưa có quy định cụ thể về hành vi xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục.

Trong khi đó, các hành vi này rất phổ biến trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, quán bar, vũ trường, cơ sở massage xông hơi xoa bóp, karaoke, hớt tóc gội đầu…

Mặt khác, quy định về mại dâm vẫn được hiểu giữa các đối tượng khác giới với nhau. Chính vì vậy, việc xử lý mại dâm đồng tính đang gặp nhiều khó khăn.

Lập khu vực riêng cho các dịch vụ nhạy cảm?

Đưa ra quan điểm cá nhân về giải pháp phòng chống tệ nạn mại dâm, ông Lê Văn Quý, Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM đưa ra đề xuất: Tổ chức quy hoạch các ngành nghề kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội ở một khu vực riêng. Việc này có thể áp dụng thí điểm ở một số địa phương trọng điểm, nhất là nơi có nhiều phức tạp về tệ nạn mại dâm.

Lý do của đề xuất dựa trên thực tế nhằm đảm bảo tất cả quyền lợi, chế độ, chính sách cho người lao động. Bởi thời gian qua, công tác kiểm tra phát hiện tiếp viên nữ làm công việc massage phần lớn không có hưởng lương khi làm việc ở những điểm karaoke.

“Dù kiểm tra chúng tôi vẫn thấy hợp đồng lao động, nhưng thực tế đó là hình thức đối phó với các cơ quan chức năng. Quyền lợi của người lao động được hưởng lương không được đảm bảo, chế độ bảo hiểm không được thực thi” - ông Lê Văn Quý cho biết.

Đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn TPHCM cũng cho biết, tình hình mại dâm trên địa bàn càng phức tạp, các cơ sở kinh doanh nhạy cảm có những phương thức kinh doanh né tránh, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, lương, chế độ bảo hiểm, sức khỏe. Việc quản lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ này càng phải tăng cường kiểm tra, xử lý chặt chẽ hơn.

Đánh giá trước đề xuất này, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM cho rằng, đây là việc cần nghiên cứu thận trọng và xét xét từ nhiều góc độ. Việc thực thi theo pháp luật mới là quan trọng nhất. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu tiếp mô hình này trước khi đưa ra thực tiễn để tránh gây xáo trộn nhân dân.

“Quan điểm hiện nay là việc phòng và chống mại dâm được coi như biện pháp hữu hiệu trong công tác này. Dù có quy hoạch hay không thì vẫn cần phải kiểm soát chặt chẽ, chứ không phải chờ gom lại mới quản lý được. Hoạt động đó dù ở dưới góc độ nào cũng cần kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ” - ông Phùng Quang Thức nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Đức Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Nam Định cho rằng việc quy hoạch các dịch vụ nhạy cảm về một khu vực là vấn đề lớn vừa mang tính quốc gia và quốc tế.

“Về mặt quản lý nhà nước, nếu chúng ta điều chuyển các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về một nơi thì sẽ dễ dàng quản lý hơn. Nhưng về mặt xã hội, điều này sẽ ảnh hưởng tới người dân trên địa bàn có các khu vực này”, ông Nguyên nhận định.

Ông Đỗ Đức Nguyên nói: “Thời điểm hiện tại, vấn đề này đối với cả nước nói chung và Nam định nói riêng còn là đề tài cần nghiên cứu, trao đổi chặt chẽ, toàn diện hơn”.

"Việt Nam không công nhận mại dâm là hợp pháp"

Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam phát biểu như vậy Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (2003-2013) được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tháng 12/2014.

Phó Thủ tướng cho biết, tại Việt Nam hiện có 3 luồng ý kiến khác nhau về mại dâm: “Cương quyết không cho tồn tại mại dâm; tập trung quản lý mại dâm; hướng đến chấp nhận mại dâm”. Phó Thủ tướng nhận định, Việt Nam kiên quyết coi mại dâm là bất hợp pháp, nhưng việc phòng chống mại dâm cần trên tinh thần bảo vệ quyền con người, tôn trọng nhân phẩm con người. Đồng thời trong việc phòng chống đòi hỏi có phương pháp khoa học, sự bình tĩnh để tìm ra các giải pháp.

Hoàng Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm