“Việt Nam kiên định quan điểm không công nhận mại dâm là hợp pháp”

(Dân trí) - “Việt Nam kiên định quan điểm không công nhận mại dâm là hợp pháp. Tuy nhiên, việc phòng chống mại dâm phải có tính xã hội trên tinh thần bảo vệ quyền con người, tôn trọng tối đa nhân phẩm” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.

Hội nghị
Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (2003-2013)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (2003-2013). Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức sáng 19/12 tại Hà Nội.

Mại dâm là bất hợp pháp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tại Việt Nam hiện có 3 luồng ý kiến khác nhau về mại dâm: Cương quyết không cho tồn tại mại dâm; tập trung quản lý mại dâm; hướng đến chấp nhận mại dâm. Phó Thủ tướng nhận định, Việt Nam kiên quyết coi mại dâm là bất hợp pháp, nhưng việc phòng chống mại dâm cần trên tinh thần bảo vệ quyền con người, tôn trọng nhân phẩm con người. Đồng thời trong việc phòng chống đòi hỏi có phương pháp khoa học, sự bình tĩnh để tìm ra các giải pháp.

“10 năm vừa qua, số lượng người bán dâm tăng, hình thức tinh vi phong phú, đa dạng, công nghệ hơn. Công tác phòng chống mại dâm không chỉ là nhiệm vụ của một cơ quan mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, bộ máy Nhà nước, đặc biệt là vai trò của cộng đồng. Chúng ta cần kiên trì quan điểm tiếp tục phòng là chính, giảm thiểu tác hại, kiên quyết xử lý tội phạm liên quan tới mi dâm để trục lợi” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận, sau 10 năm triển khai Pháp lệnh, một số quy định không còn phù hợp với tinh thần Hiến pháp mới, luật mới chưa được đồng bộ, thiếu một số quy định mới theo sát thực tiễn, một số quy định không còn cần thiết.

“Chính phủ sẽ bàn và trình Quốc hội Luật Phòng, chống mại dâm, để đồng bộ với các Luật khác, đảm bảo tôn trọng quyền con người. Vấn đề đặt ra nếu sửa Luật còn nhiều thời gian, tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành, nhất là Luật xử lý vi phạm hành chính mới; nghiên cứu làm Luật, huy động cả xã hội tham gia, góp ý xây dựng Luật mới” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận.

Thống kê còn xa vời

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý tại 63 tỉnh, thành phố là 11.240 người. Thống kế này chưa phản ánh thực chất số người bán dâm trên thực tế đang rất cao. Vì nguyên nhân hoạt động mại dâm ngày càng phức tạp, tinh vi và trá hình.

Nhiều đối tượng và hình thức mại dâm mới đã xuất hiện trên thực tế: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook...

Tệ nạn mại dâm đã và đang gây ra nhiều nguy cơ lây lan các dịch bệnh xã hội, HIV/AIDS qua đường tình dục không an toàn; gia tăng các tổ chức tội phạm mua bán, tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy; mua bán người, tổ chức hoạt động mại dâm ở một số địa phương…

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ rõ, công tác phòng, chống mại dâm đang đứng trước nhiều thách thức mới: Hệ thống pháp luật về phòng chống mại dâm bộc lộ bất cập, thiếu sự hội nhập quốc tế, chưa được đầu tư công nghệ thông in hiện đại, nguồn lực đầu tư phòng, chống mại dâm hạn hẹp…

Đại diện một số tỉnh, thành phố được coi là điểm nóng về hoạt động mại dâm như TPHCM, Hà Nội, Khánh Hòa đã đưa một số khó khăn từ khi thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính: Không đưa người bán dâm vào các cơ sở, xã phường, thị trấn; hoạt động mại dâm ở thành phố chuyển từ trá hình sang diện rộng qua mạng internet trong và ngoài nước; mại dâm nam, đồng giớichuyển giới chưa có quy định cụ thể…

Nhiều đại diện từ các sở LĐ-TB&XH cũng đưa ra kiến nghị sửa đổi Pháp lệnh phòng chống mại dâm, đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Phòng chống mại dâm, bổ sung các quy định xử lý mại dâm nam, mại dâm đồng giới, khiêu dâm kích dục.

Đồng thời, các cơ quan chức năng sớm ban hành chính sách hỗ trợ người bán dâm hoàn lương, tiếp cận nguồn trợ giúp xã hội, trợ vốn tạo việc làm giúp hoàn lương, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.


Theo Cục Cảnh sát hình sự, Tổng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm (Bộ Công an), ngay khi Pháp lệnh phòng, chống mại dâm có hiệu lực, lực lượng Công an đã đồng loạt ra quân, triệt phá được nhiều đường dây tổ chức mại dâm lớn, tổ chức lực lượng triệt phá 11.676 tổ chức hoạt động mại dâm, bắt 47.350 đối tượng, trong đó 9.179 chủ chứa môi giới, 12.900 người mua dâm và 14.598 người bán dâm.

Cục CSHS cũng nêu lên thực trạng xuất hiện đối tượng mại dâm hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật, thi sắc đẹp, điển hình như đường dây gái gọi do Nguyễn Trung Kiên (Kiên “pê đê”), Nguyễn Văn Hoàng (Hoàng “Mẫu”) cầm đầu mới bị triệt phá...






Hoàng Mạnh