1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ: "Thơm như cánh gà chiên, nhưng không ăn được!"

(Dân trí) – Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ giao cho ngân hàng thì được vay cũng khó như bắc thang lên trời. “Nghe nói gói hỗ trợ khủng vậy, thơm như cánh gà chiên bơ chứ không có ăn được”, ông Minh nói.

Ông Huỳnh Văn Minh bày tỏ trong buổi buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM khóa XIII do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu với các doanh nhân
trên địa bàn Tp HCM.
 
“Chúng tôi đang hấp hối”

Tại buổi gặp gỡ, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã thông báo đến các doanh nhân kết quả kỳ họp Quốc hội. Theo đó, về lĩnh vực kinh tế, điểm mấu chốt là nước ta đã kiểm soát được lạm phát. Tuy nhiên, do “bóng ma” này kéo dài nên hậu quả của nó để lại là nhiều doanh nghiệp “chết đã chôn”, “chết chưa chôn”, hàng tồn kho… còn quá nhiều. Trong thời gian tới, Quốc hội sẽ giám sát quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, phát triển hệ thống ngân hàng thương mại và các tập đoàn kinh tế nhà nước. Các chính sách như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (doanh số dưới 20 tỷ)… cũng đã được ban hành và triển khai theo lộ trình.

Nhiều cử tri doanh nhân đã trình bày những bất cập về chính sách, thủ tục hành chính… quá rườm rà, nhiêu khê và chưa đi sát với thực tế. Các doanh nghiệp bất động sản thì cho biết họ đang “hấp hối”, cần lắm những quyết sách để doanh nghiệp, tập đoàn không còn phải đứng bên bờ phá sản.

Ông Nguyễn Phụng Thiều, Công ty địa ốc Sài Gòn – Gia Định cho rằng, số lượng người dân vay được tiền để mua nhà ở xã hội là đếm trên đầu ngón tay. “Tại sao người dân vay không được?. Chúng tôi có thể hiểu thế nào là thu nhập thấp nhưng ai chứng nhận thu nhập thấp, bao nhiêu là thấp?. Khi vay, ngân hàng yêu cầu thì làm sao người dân chứng minh được. Không chứng minh được thì không vay được. Dân không vay thì không mua. Mà như thế thì các công trình nhà ở cũng chỉ nằm đắp chiếu”, ông Thiều nói.
Các doanh nhân trải lòng với đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM
Các doanh nhân "trải lòng" với đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM

Theo doanh nhân Trần Văn Thành, hiện bất động sản trong tình hình đóng băng, đi liền nợ xấu tại ngân hàng, nhiều chủ đầu tư bế tắc trong vay tiền để phát triển thêm dự án. Dù có chính sách cho các chủ đầu tư có dự án khả thi vay nhưng thực tế không dễ dàng. Sự lo lắng gia tăng nợ xấu của ngân hàng khiến việc vay vốn của chủ đầu tư rất khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hội Bất động sản TPHCM bức xúc vì thủ tục xây dựng nhà đất quá nhiêu khê. “Chất lượng công trình tùy thuộc chủ đầu tư, tùy thuộc năng lực, chứ không phụ thuộc vào thủ tục. Thủ tục càng nhiều càng nhũng nhiễu, tham nhũng”, ông Đực nói.

Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản kêu ca về thủ tục hành chính mà doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng “than ngắn, thở dài”. Ông Nguyễn Văn Vinh, chủ một doanh nghiệp vàng tại TPHCM cho biết doanh nghiệp bị “bội thực” các chính sách, nghị quyết, nghị định, thông tư. Trong khi đó, chính sách tín dụng vàng liên thông với thế giới, mức chênh lệch so với thế giới có lúc hơn 6 triệu đồng/lượng… vẫn không được xử lý. “Chính sách ban hành sáng nắng chiều mưa khiến hơn 3.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng và 30.000 lao động tại TPHCM hết sức mệt mỏi”, ông Dư nói.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết, tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp TP trong 6 tháng đầu năm nay liên tục đạt những kỷ lục buồn. Ông kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách dài hơi, xây dựng niềm tin giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi có chủ trương, nghị quyết, nghị định thì các bộ ngành cần vào cuộc triển khai nhanh chóng. Ông Minh cũng kiến nghị gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nên phân về địa phương để ít sai sót chứ giao cho ngân hàng thì được vay cũng khó như bắc thang lên trời. “Nghe nói gói hỗ trợ khủng vậy, thơm như cánh gà chiên bơ chứ không có ăn được”, ông Minh ví von.

Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TP cũng kiến nghị nên ưu tiên bán trái phiếu Chính phủ cho người dân trước, theo hướng tăng lãi suất, rút ngắn thời gian hiệu lực của trái phiếu. Có chính sách miễm giảm, giãn thuế làm sao kích thích doanh nghiệp đầu tư phát triển. “Muốn giải quyết hàng tồn kho thì miễn hẳn VAT mấy năm đi, chứ mấy tháng cũng như không”, ông Minh nói.

Doanh nghiệp cần dũng cảm, đột phá

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ chân tình với các doanh nhân. Chủ tịch cho biết, tình hình kinh tế dù có chuyển biến tích cực như kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng nhanh, giải quyết những vấn đề vướng mắc… nhưng nhìn chung vẫn còn rất khó khăn. Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát nhưng cái giá phải trả quá đắt khi thời gian khủng hoảng kéo dài, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, 70% doanh nghiệp lâm vào khó khăn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp lửa cho các doanh nhân
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang "tiếp lửa" cho các doanh nhân

Trong tình cảnh nền kinh tế hiện nay, Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp nên đoàn kết, hỗ trợ nhau. “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói, trước khi trời cứu thì hãy tự cứu mình. Câu nói hết sức thực tiễn, đời thường nhưng chân lý. Tôi đề nghị các ngân hàng cũng phải ngồi lại với doanh nghiệp vì cả 2 đều cộng sinh với nhau. Doanh nghiệp chết, ngân hàng cũng chết. Các hiệp hội chuyên ngành, hội doanh nghiệp TPHCM hoạt động tích cực hơn nữa, không phân biệt trung ương, địa phương, quốc doanh, ngoài quốc doanh. Chúng ta quyết liệt, tích cực hơn, hết sức năng động, sáng tạo… để cùng nhau phát triển nền kinh tế”, Chủ tịch Trương Tấn Sang nói.

Chủ tịch nước cũng khuyến khích các doanh nhân ngoài việc tuân thủ theo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, cần bám sát thực tiễn, hết sức mạnh dạn tìm giải pháp đột phá. Những “sáng kiến, lối đi riêng” ấy có khi không chỉ phát triển doanh nghiệp mà còn góp phần vào giải pháp cho Trung ương.

“Ai cũng có nỗi lòng. Mỗi khi đi ra nước ngoài, thấy người ta phát triển, đất nước mình còn như thế này, tôi cũng đau lòng lắm. Những ý kiến các đồng chí thấy đúng mà Đảng, Chính phủ chưa thấy thì phải nhắc, nhắc nhiều lần. Khi gặp chúng tôi, các đồng chí cứ nhắc. Chúng tôi luôn tiếp thu và xem xét bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp”, Chủ tịch Trương Tấn Sang nói.

Công Quang

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm