Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Gỡ vướng Luật Đất đai để 24.000 hộ dân tộc thiểu số thoát cảnh thiếu đất ở

Hoài Thu

(Dân trí) - Dẫn con số trên 24.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, gần gấp đôi số đó thiếu đất sản xuất, đại biểu Quốc hội đề nghị sửa Luật Đất đai phải giải quyết được tình trạng "đồng bào thiếu đất".

Hàng loạt bất cập về chính sách đất đai với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đại biểu Quốc hội phản ánh trên hội trường Quốc hội, khi thảo luận dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đánh giá dự thảo luật lần này đã có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn rất nhiều so với bản trình tại kỳ họp thứ 4, thứ 5 của Quốc hội.

Ưu tiên cho vùng khó khăn nhất, dân tộc khó khăn nhất

Vị đại biểu nhắc lại cách đây 20 năm, vào ngày 12/3/2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành 3 nghị quyết rất quan trọng, gồm: Nghị quyết số 23 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc; Nghị quyết số 26 tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Gỡ vướng Luật Đất đai để 24.000 hộ dân tộc thiểu số thoát cảnh thiếu đất ở - 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Ảnh: Hồng Phong).

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Chương trình chia thành 10 dự án thành phần với các tiểu dự án và mục tiêu cụ thể. Trong đó có Dự án 1 hướng tới mục tiêu: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Trong đó, Nghị quyết số 24 đã đặt ra nhiệm vụ đến năm 2010 giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, theo nữ đại biểu tỉnh Đắk Nông, Luật Đất đai năm 2003 không có quy định để thể chế hóa chủ trương này của Đảng, mà được thực hiện qua 5 nghị quyết của Thủ tướng.

Đến năm 2013, Luật Đất đai đã có hai điều quy định về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, song do quy định chưa đầy đủ, cụ thể nên kết quả thực hiện còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của đồng bào.

Tiếp đến, đại biểu Kiều dẫn Nghị quyết số 18 ngày 16/6/2022 của Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó nhận định "việc giải quyết đất đai, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra".

Chia sẻ điều rất đáng mừng khi thấy dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này có những quy định rộng hơn, rõ hơn, đại biểu Kiều nhấn mạnh đây là sự mong chờ của đồng bào các dân tộc thiểu số và các cơ quan thực thi chính sách, nhất là để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các địa phương.

Tuy nhiên, nữ đại biểu băn khoăn khi thấy chưa có đánh giá tác động hoặc đánh giá tác động còn chưa đầy đủ, khiến thực thi chính sách sẽ khó khăn.

"Nếu chính sách đất đai trong luật sửa đổi lần này không giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu đất, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, thì chủ trương của Đảng ban hành hơn 20 năm nay vẫn khó được thực hiện. Thực tế từ tình hình tranh chấp đất đai, đơn thư khiếu kiện về đất đai ngày càng phức tạp, chúng ta sẽ không có thêm 10 năm nữa để điều chỉnh, nghiên cứu, thảo luận và sửa luật", bà Kiều nói.

Gỡ vướng Luật Đất đai để 24.000 hộ dân tộc thiểu số thoát cảnh thiếu đất ở - 2

Đại biểu Quốc hội kiến nghị chính sách đất đai cần hướng tới ưu tiên cho những vùng khó khăn nhất (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Nữ đại biểu chia sẻ hầu hết dân tộc thiểu số luôn gắn bó mật thiết, keo sơn với đất đai, rừng núi với nhiều tập quán, phong tục khác nhau, nên Luật Đất đai cần quy định bao quát, giải quyết thấu đáo, đáp ứng được mong muốn của từng dân tộc.

"Trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế và còn nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang khó khăn, cần hướng tới ưu tiên cho những dân tộc khó khăn nhất, những vùng đặc biệt khó khăn, những trường hợp là người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo còn khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau", bà Kiều góp ý.

Nữ đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, Kết luận số 65 của Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng tiêu chí phân định lại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng xác định rõ vùng dân tộc thiểu số tỉnh, huyện, xã, thôn, bản; địa bàn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, làm cơ sở pháp lý giải quyết chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, luật cũng cần có quy định mở rộng, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương phát triển, có điều kiện kinh tế sử dụng nguồn lực để chủ động giải quyết đối với những trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất nhưng không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, để đồng bào ở khu vực này được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước.

Nhiều địa phương không còn quỹ đất

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) cho rằng Luật Đất đai năm 2003 chưa có những thể chế hóa rõ ràng về định hướng giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất.

Gỡ vướng Luật Đất đai để 24.000 hộ dân tộc thiểu số thoát cảnh thiếu đất ở - 3

Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (Ảnh: Hồng Phong).

Ông dẫn báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho thấy có trên 24.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, gần gấp đôi số đó thiếu đất sản xuất và chia sẻ băn khoăn khi Luật Đất đai (sửa đổi) lần này không có điều khoản nào quy định tạo quỹ đất để giao cho đồng bào

Đại biểu kiến nghị bổ sung một điều khoản tạo hành lang pháp lý cho việc này, nếu không sẽ lại có 20 năm lặp lại việc không hoàn thành nhiệm vụ nội dung của nghị quyết của Trung ương.

"Nhiều tỉnh, thành hiện nay cho rằng không còn quỹ đất để thực hiện chính sách. Chúng ta không thể chia số 0 cho bất cứ số nào, vì phép chia này vô nghĩa", đại biểu tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh.