"Công khai tên gọi và thủ phủ 34 tỉnh thành là cách lấy ý kiến nhân dân"

Hoài Thu

(Dân trí) - Việc báo chí vừa công khai danh sách dự kiến tên gọi và thủ phủ 34 tỉnh, thành sau sáp nhập, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cũng là phương pháp lấy ý kiến nhân dân.

Sáng 14/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 3.

Trình bày Báo cáo công tác dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình cho hay, cử tri và nhân dân hết sức quan tâm đến những nội dung trong chương trình kỳ họp thứ 9, nhất là việc Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và sửa đổi các luật nhằm phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Công khai tên gọi và thủ phủ 34 tỉnh thành là cách lấy ý kiến nhân dân - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình (Ảnh: Hồng Phong).

Cử tri và nhân dân ủng hộ công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được chỉ đạo triển khai quyết liệt, khẩn trương, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Tuy nhiên, theo ông Bình, cử tri và nhân dân lo lắng về thông tin giả mạo, sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội về chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, nhà nước, sắp xếp các đơn vị hành chính.

Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát vì thế kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính.

Điều này nhằm tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, các lực lượng từ Trung ương đến cơ sở.

Công khai tên gọi và thủ phủ 34 tỉnh thành là cách lấy ý kiến nhân dân - 2

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Hồng Phong).

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận những kết quả quan trọng trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8.

Theo ông Mẫn, cả nước đã hoàn thành giai đoạn 1 với việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

Trong giai đoạn 2, cả nước sẽ tiến hành sáp nhập tỉnh, xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện và sửa đổi Hiến pháp.

"Báo chí vừa rồi đã công khai 28 tỉnh, 6 thành phố trực thuộc Trung ương để chuẩn bị trình Quốc hội, kể cả tên và thủ phủ của tỉnh, thành. Việc công khai này cũng là phương pháp lấy ý kiến nhân dân và dư luận xã hội theo nguyên tắc sáp nhập tỉnh, xã, kết thúc hoạt động cấp huyện. Việc sửa đổi Hiến pháp tới đây cũng phải lấy ý kiến nhân dân", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông cho biết trong hôm nay, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 cũng họp bàn giải pháp thực hiện chủ trương lớn này.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận một số bộ ngành đã chủ động trả lời cử tri trước thời hạn. Một số kiến nghị liên quan quyền lợi người dân được các bộ ngành nghiêm túc tiếp thu và xử lý.

"Văn bản trả lời tốt hơn, cử tri thấy hài lòng, không lòng vòng, chung chung, hình thức", ông Mẫn đánh giá và đề nghị phát huy việc này, không ngừng đổi mới cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, lấy sự hài lòng của cử tri và nhân dân làm thước đo.

Công khai tên gọi và thủ phủ 34 tỉnh thành là cách lấy ý kiến nhân dân - 3

Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Hồng Phong).

Nhắc lại cuộc làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm với Đảng ủy Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân hồi giữa tháng 3, Chủ tịch Quốc hội cho biết người dân rất hoan nghênh khi lãnh đạo Đảng quan tâm tới việc giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri.

Song ông Mẫn đề nghị báo cáo cần bổ sung, làm rõ nguyên nhân của những hạn chế cũng như giải pháp khắc phục.

Cho biết kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã thông qua 18 luật và nhiều nghị quyết quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát xem hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã đến địa phương chưa, tránh trường hợp Trung ương hướng dẫn rồi nhưng địa phương chậm triển khai.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thêm câu chuyện nhiều cử tri ngày nào cũng nhắn tin cho ông, dù những ý kiến, kiến nghị của họ đã được giải quyết. Từ đó, ông đề nghị các cơ quan kiên trì giải thích để người dân hiểu.