1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Giúp cháu bé đi tìm người thân, thanh niên bị nghi "bắt cóc trẻ em"

Công Bính

(Dân trí) - Khi đang đi trên đường, nam thanh niên thấy bé gái 4 tuổi đang đứng khóc bên đường nên chở cháu đi tìm người thân thì bị người dân đồn là "bắt cóc trẻ em".

Ngày 6/6, Công an xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) thông tin, vụ "bắt cóc trẻ em" lan truyền trên mạng xã hội từ chiều qua (5/6) là không chính xác. Thanh niên bị nghi bắt cóc trẻ em đã được cho về nhà.

Trước đó, từ chiều 5/6, rất nhiều tài khoản Facebook và Fanpage chia sẻ vụ việc "bắt cóc trẻ em" xảy ra ở xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Theo nội dung này, vào chiều cùng ngày, người dân xã Điện Thọ truy đuổi 3 đối tượng "bắt cóc trẻ em" nhưng chỉ bắt được một thanh niên đi xe máy biển số 74…

Kèm theo thông tin vụ việc là hình ảnh một thanh niên được cho là người "bắt cóc trẻ em" cùng chiếc xe máy mang biển số 74 (tỉnh Quảng Trị).

Giúp cháu bé đi tìm người thân, thanh niên bị nghi bắt cóc trẻ em - 1
Giúp cháu bé đi tìm người thân, thanh niên bị nghi bắt cóc trẻ em - 2

Các trang Facebook rầm rộ chia sẻ thông tin "bắt cóc trẻ em" dù chưa kiểm chứng.

Giúp cháu bé đi tìm người thân, thanh niên bị nghi bắt cóc trẻ em - 3

Rất nhiều thông tin "bắt cóc trẻ em" không đúng sự thật được chia sẻ trên mạng xã hội.

Dù không biết thực hư câu chuyện, cả người đăng tải nội dung chưa kiểm chứng lên mạng xã hội lẫn người bình luận đều tỏ ra bức xúc và đòi "xử" nam thanh niên kia.

Sự việc "bắt cóc trẻ em" càng thêm nóng khi hàng trăm tài khoản Facebook dù chưa xác minh, kiểm chứng thông tin đã chia sẻ lại thông tin khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.

Tiếp nhận thông tin và xác minh vụ việc, sáng nay 6/6, trao đổi với báo chí, đại diện Công an xã Điện Thọ khẳng định thông tin "bắt cóc trẻ em" lan truyền trên mạng xã hội là không đúng sự thật.

Công an xã Điện Thọ xác định nam thanh niên tên là T.Q.T. (sinh năm 1988, quê huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Anh T. làm xây dựng cho một công trình ở quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng). Ngoài làm công nhân, anh T. còn làm thêm công việc bảo vệ vật liệu xây dựng cho một chủ thầu ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam).

Hôm qua (5/6), nhà chủ thầu có đám giỗ nên mời anh T. vào dự. Đến khoảng 16h cùng ngày, sau khi dự đám giỗ xong, do anh T. đã say nên chủ thầu giữ anh lại nhưng anh T. vẫn nhất quyết đòi về.

Khi chạy xe máy đi trên đường ĐT609, đoạn qua xã Điện Thọ, anh T. thấy một bé gái 4 tuổi đứng bên lề đường khóc. Anh T. liền giúp bé gái đi tìm người thân.

Khi anh T. bồng bé gái vào ngôi nhà bên đường hỏi thăm thì gặp hai người phụ nữ lớn tuổi cùng chú của cháu bé. Thấy anh T. biểu hiện say rượu và đang bồng cháu của mình, chú của cháu bé cho rằng anh T. "bắt cóc trẻ em" nên gọi công an.

Lúc này, anh T. có mở cốp xe và lấy ra một chai nước hoa. Tuy nhiên, do đã say nên anh T. không xịt nước hoa lên người mà xịt ngược về phía người dân. Cho rằng anh T. xịt "hơi cay" nên người dân bắt giữ anh lại và đưa lên công an xã.

Chủ thầu của anh T. sau đó cũng đến cơ quan Công an xã Điện Thọ xác nhận anh T. chính là người làm thuê cho mình từ tháng 11/2020 đến nay. Theo xác minh, anh T. chưa có tiền án, tiền sự và làm ăn chăm chỉ. 

Sau khi xác minh thông tin "bắt cóc trẻ em" là không đúng sự thật, Công an xã Điện Thọ đã cho anh T. về nhà.