1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Giữ nguyên Trung tâm chính trị hành chính Hà Nội đến 2020

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đơn vị xây dựng qui hoạch Hà Nội: Đến năm 2020, Trung tâm chính trị hành chính chưa dời khỏi vị trí hiện nay. Thủ tướng cũng cho rằng, không nhất thiết phải xây dựng sân bay thứ 2 ở Thủ đô…

Ngày 21/8, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Xây dựng, Liên danh tư vấn quốc tế PPJ báo cáo lần 2 quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
 
Liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkins Eastman, Posco E &C&Jina) đã đề xuất 3 phương án qui hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội. Trong đó, theo phương án A, đô thị trung tâm được mở rộng, giảm thiểu mật độ dân số ở các đô thị vệ tinh (mật độ trung bình là 5.000 người/km2). Trung tâm hành chính quốc gia sẽ gần đô thị trung tâm.
Giữ nguyên Trung tâm chính trị hành chính Hà Nội đến 2020 - 1
Thủ tướng: Phải hết sức lưu ý nâng cấp, bảo tồn các trung tâm cũ (Ảnh: ANTĐ)

Với phương án B, đô thị trung tâm mở rộng sẽ tách khỏi đô thị lịch sử bằng vùng đệm xanh, đồng thời phát triển đô thị vệ tinh với mật độ trung bình là 6.000 người/km2. Trung tâm hành chính sẽ cách thành phố lõi 18km về phía Tây.

Phương án C là sự kết hợp các ưu điểm của phương án A và B.

Một số ý kiến cho rằng, báo cáo lần này của liên danh vẫn chưa tỏ rõ thái độ trong việc sẽ xử lí 744 dự án trên địa bàn Hà Nội hiện nay như thế nào, trong khi ngay từ báo cáo lần 1, Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo rà soát vấn đề này.  

Các ý kiến tại buổi làm việc đề nghị liên danh cần nghiên cứu kĩ hơn về hiện trạng và dự báo đối với thủ đô trong tầm nhìn qui hoạch. Cùng đó, cần có ý tưởng và cơ sở xác định vị trí các khu chức năng, đặc biệt là khu hành chính…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, liên danh cần đưa ra phương án quản lí và thực hiện qui hoạch. Theo ông Hùng, nếu không sớm làm điều này, khi triển khai qui hoạch, rất có thể thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng tiếp tục phải giải quyết những vấn đề phát sinh không nằm trong khuôn khổ qui hoạch.

Cũng theo Phó Thủ tướng, liên danh cần khẩn trương đề xuất các bài toán về tài chính để chuẩn bị báo cáo Quốc hội trong năm tới.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong các phương án đưa ra, phương án 3 cho thấy nhiều ưu việt, tuy nhiên, theo Thủ tướng cần làm rõ những ưu điểm, hạn chế của 2 phương án đầu tiên.

Thủ tướng yêu cầu đề án chú trọng tính kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và các thành phố, địa phương khác.

Cũng theo Thủ tướng, qui hoạch Hà Nội cần đảm bảo những đặc thù của một thủ đô có bề dày lịch sử và văn hoá, trong đó phải hết sức lưu ý nâng cấp bảo tồn trung tâm cũ. “Qui hoạch kiểu nào mà mất trung tâm cũ là không đạt yêu cầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị làm rõ hơn các phương án xây dựng kết cấu hạ tầng thủ đô như đường bộ, đường sắt, công trình ngầm… đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, đồng thời phục vụ cho công tác phân lũ với tiêu chí tần suất 500 năm/lần...

Cần tiếp tục nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đáp ứng tần suất 50 triệu lượt hành khách/năm. Cùng đó, không nhất thiết phải xây dựng sân bay thứ hai ở thủ đô mà có thể xây dựng ở các vùng phụ cận khác.

Về trung tâm hành chính, Thủ tướng lưu ý, đến năm 2020 Trung tâm chính trị hành chính vẫn chưa dời khỏi vị trí hiện nay. Đến năm 2030 sẽ mở rộng theo hướng hồ Tây và khu vực vành đai 3 kết nối với Hoà Lạc.

Thủ tướng cũng nhất trí liên danh cần sớm có phương án qui hoạch cụ thể hơn để báo cáo Quốc hội trong năm tới.

Các cơ quan chức năng liên quan làm thủ tục mời đơn vị tư vấn phản biện và chuẩn bị Thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước, bao gồm các nhà khoa học, các nhà kiến trúc sư, văn hoá, lịch sử, an ninh giúp Chính phủ thẩm định dự án này.

Kim Tân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm