Giữ nguyên tên gọi thành phố Thanh Hóa sau sáp nhập
(Dân trí) - Sau sáp nhập huyện Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa sẽ giữ nguyên tên gọi, có diện tích tự nhiên hơn 228km2 với 37 phường, 11 xã và dân số hơn 570.000 người.
Chiều 28/7, Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa Lê Anh Xuân cho biết địa phương đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng trước khi trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Đề án sáp nhập thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn.
Ông Xuân cho biết sau sáp nhập, thành phố Thanh Hóa sẽ giữ tên gọi cũ. "Địa phương đã hoàn thành việc lấy ý kiến của người dân và nhận được sự đồng thuận cao. Theo kế hoạch đến đầu năm 2025 sẽ hoàn tất việc sáp nhập. Tuy nhiên, địa phương cố gắng hoàn thành trước tháng 12 năm nay", ông Xuân nói.
Theo đề án của UBND tỉnh Thanh Hóa, việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố xứng tầm đô thị loại một, với vai trò, vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của một trong những tỉnh lớn nhất cả nước.
Việc sáp nhập cũng phù hợp với văn hóa, lịch sử địa phương, góp phần tinh gọn đầu mối tổ chức đơn vị hành chính.
Sau khi nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa sẽ có 26 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố, 2 thị xã và 22 huyện (giảm 1 huyện); 559 đơn vị hành chính cấp xã.
Sau sáp nhập, thành phố Thanh Hóa sẽ có diện tích tự nhiên 228,2km2, quy mô dân số 593.715 người, 48 đơn vị hành chính trực thuộc (37 phường, 11 xã).
Ngoài ra, có 7 phường dự kiến sẽ được thành lập mới thuộc thành phố Thanh Hóa, gồm: Rừng Thông, Hoằng Quang, Hoằng Đại, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Văn.
Các phường này được thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện tại.