1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giữ đình làng bằng... Facebook

Bắt đầu từ việc di dời sư tử đá ngoại lai trong di tích, một ngày đẹp trời, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình nảy ra sáng kiến thành lập một nhóm mang tên “Đình làng Việt” trên Facebook với mục đích: “Để anh em trao đổi”. Thế rồi loáng một cái, “Đình làng Việt” đã có hơn 5.000 thành viên, hoạt động hiệu quả. Và thế là từ một nhóm ảo, họ đã chung tay để cứu di tích thật.

Giữ đình làng bằng... Facebook - 1

Từ “ảo” hóa thật

Còn nhớ, hơn 1 năm trước, đúng vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” khi việc di dời sư tử đá cùng linh vật ngoại lai đang bước vào giai đoạn nước rút thì tôi được mời tham gia nhóm “Đình làng Việt”. Click chuột vào nhóm để tìm hiểu, toàn thấy những cái tên quen thuộc trong giới nghiên cứu mỹ thuật, bảo tồn di sản… Khi đó, tranh luận sôi nổi nhất là chủ đề linh vật Việt và di dời sư tử đá ngoại lai. Dư luận đã hiểu ra vấn đề rằng, cái con vật mặt mũi dữ tợn kia vốn chẳng liên quan gì đến cuộc sống của người Việt. Nó chỉ là sản phẩm ngộ nhận, học đòi và đa phần ảnh hưởng từ phim ảnh của nước ngoài.

Cuộc bàn bạc về linh vật Việt nghe chừng cũng rôm rả lắm. Và có lẽ, đó là lần đầu tiên người ta tranh luận đến tận cùng về chủ đề này. Không chỉ dừng lại ở việc tranh luận, đưa ra những hình ảnh đối chiếu, so sánh, đích thân những thành viên của nhóm “Đình làng Việt” còn vận động, tuyên truyền, hỗ trợ di dời một vài di tích tín ngưỡng “trót” bưng linh vật ngoại lai về trưng trước cửa “nhà” mình.

Không chỉ dừng lại đó, Facebook “Đình làng Việt” bắt đầu trở thành nơi để có thể trao đổi mọi chủ đề liên quan đến đình làng, từ giới thiệu niềm tự hào của quê hương, tìm hiểu niên đại đến nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc… nhưng nhiều nhất vẫn là… kêu cứu. Nhờ có những thông tin trao đổi này mà giới nghiên cứu lần đầu tiên biết đến sự tồn tại của một ngôi đình nằm cách trung tâm Hà Nội vài chục cây số - đình Cổ Chế, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình kể, nghe qua thì tưởng đùa vì ông vốn là dân nghiên cứu mỹ thuật cổ, từng say mê với đề tài hình tượng người trên trang trí kiến trúc đình làng thế kỷ 17, vì thế ông vẫn luôn nghĩ rằng, chưa có cái đình nào có giá trị kiến trúc ở miền Bắc mà ông chưa từng biết. Thế nhưng, khi lập “Đình làng Việt” ông mới vỡ ra rằng, còn rất nhiều giá trị nữa vẫn tiềm ẩn mà những nhà nghiên cứu như ông chưa từng chạm tay tới được.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (trái) - người sáng lập nhóm Đình làng Việt
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (trái) - người sáng lập nhóm Đình làng Việt

Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng

Quãng chục năm trước, ti vi từng phát sóng bộ phim truyền hình dài tập của đạo diễn Phi Tiến Sơn mang tên: “Người thổi tù và hàng tổng”. Nhân vật chính là một trưởng thôn và hễ trong thôn có chuyện gì anh đều tham gia nên nhiều khi, thiệt thòi là thứ anh luôn phải nhận. Không hiểu có điều gì trùng hợp ở đây không mà nhóm “Đình làng Việt” lại nhất trí đồng lòng gọi nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình bằng cái tên thân mật: “Bác Trưởng thôn”. Cùng với các nhà nghiên cứu, các họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Mạnh Đức, “trưởng thôn” Nguyễn Đức Bình cùng lên tiếng kêu cứu cho đình làng Cổ Chế, ngôi đình 300 năm tuổi, bị lãng quên, xuống cấp và mục ruỗng.

Ngôi đình đặc biệt đến nỗi nhiều nhà nghiên cứu khi được mời tới đây đều nhận định rằng, những mảng chạm trong đình đạt đến trình độ “cực kỳ tinh xảo” mà không một ngôi đình cùng thời nào có được. Đi đến đình làng nào, các nhà nghiên cứu, thành viên của “Đình làng Việt” cũng đều gặp gỡ người dân địa phương, người trông coi đình, tìm hiểu, trò chuyện, phổ biến những mặt quý giá của di tích dưới góc nhìn khoa học để người dân ở đó hiểu mà giữ gìn.

Mảng chạm khắc đình Tây Đằng
Mảng chạm khắc đình Tây Đằng

Chuyện đi đến đâu cũng hỏi han tỉ mỉ, rồi săm soi chụp ảnh của các thành viên đôi khi lại gây hiểu nhầm. Có lần họ còn bị dân phòng và trưởng thôn mời lên lên trụ sở UBND xã làm việc vì tưởng nhầm là… nhà báo về điều tra sai phạm trong tu bổ di tích. Hay dịp khác, tiếp cận được một ngôi đình đang chuẩn bị tu bổ, họ đã kịp thời tư vấn để các lãnh đạo địa phương tránh được lối mòn tu bổ theo kiểu kéo lùi niên đại. Nhưng cũng có lần thất bại đau đớn mà không biết kêu ai.

“Trưởng thôn” Nguyễn Đức Bình kể, đó là lần điền dã đình Vường - Bắc Giang. Ngôi đình có kiến trúc đặc biệt với những nếp tường bao lửng được làm theo kỹ thuật trình tường. Tuyên truyền giá trị di tích suốt từ lãnh đạo xã đến văn hóa huyện, ai cũng gật gù tự hào về di sản quê hương. Hai tháng sau, tình cờ thấy trên Facebook của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Quang Châu một hình ảnh đình Vường đang xây dựng tường rào dang dở. Hoảng hốt, các thành viên trong nhóm gọi cho Trưởng BQL Di tích tỉnh thì nhận được câu trả lời: “Tôi không biết”. Gọi cho quản lý văn hóa huyện thì không nhấc máy. Gọi cho lãnh đạo xã thì bảo đó là dự án của huyện. “Đó là lần thất bại cay đắng nhất của chúng tôi” - người sáng lập “Đình làng Việt” ngậm ngùi.

Hóa ra, người ta có tiền, dự án đã được chuẩn bị từ lâu. Ngôi đình làng xưa được thiết kế với lối kiến trúc mở thì nay xây rào bịt kín, nếp trình tường lưng lửng thân thiện hòa cùng cảnh quan kiến trúc thì nay bị phá đi thay bằng tường gạch, bổ trợ cảnh quan bằng cách trồng thêm cây…

Mảng chạm đình An Hòa, Thanh Liêm, Hà Nam
Mảng chạm đình An Hòa, Thanh Liêm, Hà Nam

Dựng lại những vàng son

Phải thừa nhận, từ khi ra đời “Đình làng Việt” đã trở thành một kênh giám sát trong quá trình tu bổ di tích. Những sai sót trong quá trình tu bổ đình Quang Húc, cụm đình Hương Canh, chùa Sổ… đều được kịp thời đưa ra trước công luận. Không chỉ thế, những mảng chạm lâu nay nằm im lìm trên nóc đình cũng tình cờ được kể lại câu chuyện của chính mình, của lịch sử ngôi làng và cả những tâm tư tình cảm, nỗi niềm vui buồn của những người thợ thủ công, những người đã tạc nên bức tranh vô giá đó.

Cũng thật lạ, cái tín ngưỡng dân gian xưa hồn nhiên trong sáng, không chỉ có rồng, phượng cùng những hoa văn mây nước. Đâu đó trên mái đình làng Việt còn có bầy tiên nữ khỏa thân phóng khoáng múa trong mây vờn, những cung văn trong một giá hầu đồng, đặc biệt, hình ảnh cặp trai gái tình tự được chạm khắc trên nóc đình làng thể hiện rõ nét tín ngưỡng dân gian phồn thực như ở đình Viên Châu (Cổ Đô - Ba Vì) hay Phù Lão (Bắc Giang).

“Ban đầu tôi định làm một công trình nghiên cứu và ra một cuốn sách về đình làng. Nhưng sau khi nhóm “Đình làng Việt” phát triển, tôi mới hiểu rằng kiến thức mà tôi có được về đình làng hóa ra còn hữu hạn. Có biết bao điều mới mẻ và lạ lẫm mà các thành viên đang ngày ngày giới thiệu khiến tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Và thế là tôi quyết định lùi ngày ra cuốn sách để có thể tìm hiểu thêm về đình làng Việt” - nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình chia sẻ.

Giữ đình làng bằng... Facebook - 5

Những điều mới mẻ mà hơn 5.000 thành viên từng chia sẻ cuối cùng cũng giúp nhóm có một triển lãm đầu tay “ra tấm ra món” vào tháng 8-2015 tại Heritage Space Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Hà Nội. Triển lãm cùng 3 cuộc tọa đàm được tổ chức với kinh phí do các thành viên tự đóng góp. Hình ảnh cuộc triển lãm được xây dựng dưới dạng 3D nên người ở xa, không trực tiếp tham dự cũng có thể xem được. Sau cuộc triển lãm gây nhiều tiếng vang, các thành viên tiếp tục bắt tay vào làm một chương trình trung thu truyền thống tại Bảo tàng Hà Nội.

Lần tổ chức này tiếp tục gặt hái được nhiều thành công và được chính các nhà quản lý để ý, ngỏ lời hợp tác. Mới đây, thêm một lần thành công nữa khi các thành viên “Đình làng Việt” phối hợp cùng Sở VHTT tổ chức hội thảo “Đình làng xứ Đoài”. Thủ lĩnh nhóm “Đình làng Việt” tiết lộ, một không gian Tết cổ truyền tới đây cũng sẽ được dựng lại bên thềm ngôi đình cổ ở ngoại thành Hà Nội…

Hoàn toàn là tình cờ, không một chiến lược truyền thông nào được thực hiện, tất cả những việc mà “Đình làng Việt” đã đạt được đều là “hữu xạ tự nhiên hương”. Đó là một trường hợp thực sự thú vị, tuy ảo mà thật của những người giữ đình làng bằng Facebook.

Theo Quỳnh Vân
An ninh Thủ đô