1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Giới hạn quyền con người: Không nên quá rộng

Giới hạn quyền con người, quyền công dân như dự thảo là quá rộng, dễ dẫn đến bị lạm dụng.

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) lần này có một điểm rất tiến bộ là đã bổ sung thêm cụm từ “quyền con người” vào tên chương và đưa chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên Chương II, ngay sau chương Chế độ chính trị (thay vì để ở Chương V như HP 1992). Tuy nhiên, khoản 2 Điều 15 của dự thảo có nêu: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”. Quy định trên tưởng rất đầy đủ, chặt chẽ nhưng thật ra rất dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện, lạm quyền, xâm phạm quyền con người, quyền công dân.

 

Đạo đức là một phạm trù rất rộng, nó là một tập hợp những quan điểm của xã hội. Ở những vùng, miền khác nhau, những nhóm người khác nhau ở những thời điểm khác nhau có thể có những quan niệm đạo đức khác nhau. Ví dụ như hiện nay việc một phụ nữ lựa chọn làm mẹ đơn thân (có con mà không có chồng) ở các đô thị là bình thường nhưng ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì vấn đề này vẫn còn đang bị lên án vì cho rằng đó là lối sống vô đạo đức, rằng “không chồng mà chửa”, hư đốn khi có “con hoang”… Trong trường hợp này, pháp luật không thể vì lý do đạo đức mà đặt ra biện pháp chế tài người mẹ đơn thân kia.

 

Giới hạn quyền con người: Không nên quá rộng

Hiện nay việc một phụ nữ lựa chọn làm mẹ đơn thân ở các đô thị là bình thường, pháp luật không thể vì lý do đạo đức mà đặt ra biện pháp chế tài người mẹ. Ảnh minh họa: HTD

 

Lý do “sức khỏe cộng đồng” cũng tương tự. Không thể vì một trận dịch H5N1 từ năm 2009 mà đến năm 2013, chính quyền cấp huyện xông vào nhà dân đập chết tất cả đàn gà đá, đe dọa người dân như vụ xảy ra ở Cần Thơ đầu năm nay gây phẫn nộ dư luận...

 

Không chỉ đưa ra quá rộng những lý do được hạn chế quyền con người, quyền công dân, khoản 2 Điều 15 dự thảo còn đưa ra một khái niệm rất khó xác định là “trong trường hợp cần thiết”. Thế nào là “trường hợp cần thiết”, ai sẽ xác định? Dự thảo cũng không nêu rõ chủ thể có quyền ban hành văn bản hạn chế quyền. Điều này có thể dẫn đến bất cứ một cơ quan nhà nước nào cũng có thể vin vào các lý do nêu tại điều khoản trên để ra văn bản hạn chế các quyền con người, quyền công dân.

 

Tôi cho rằng HP là đạo luật cơ bản, là đạo luật mẹ nên không cần thiết phải quá chi tiết về những vấn đề, những lĩnh vực mà quyền con người, công dân có thể bị giới hạn như vậy. Do đó, theo tôi, khoản 2 Điều 15 chỉ cần nêu ngắn gọn: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn theo luật định”. Còn giới hạn cụ thể như thế nào thì sẽ được quy định trong các đạo luật con (luật, bộ luật) được Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, xây dựng, ban hành theo một thể thức hết sức chặt chẽ.

 

Nên chuyển từ thu hồi sang trưng mua

 

Tôi đề nghị xem lại khoản 3 Điều 58 Dự thảo sửa đổi HP 1992 theo hướng bỏ việc Nhà nước thu hồi đất. Bởi lẽ tại khoản 2 Điều 58 dự thảo đã khẳng định “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ” song ngay sau đó lại quy định “nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng” là mâu thuẫn, dù là có bồi thường. Hơn nữa lý do để thu hồi đất quá nhiều, trong đó nguy hiểm hơn cả là lý do “để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)”.

 

Từ đó tôi kiến nghị sửa lại Điều 58 theo hướng: Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển KT-XH. Trong trường hợp vẫn giữ cơ chế thu hồi đất thì tôi đề nghị sửa thành: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng và bồi thường theo giá thị trường trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và trưng mua quyền sử dụng đất theo giá phù hợp để thực hiện các dự án phát triển KT-XH. Vì không thể khoác áo dự án KT-XH để thu hồi đất của dân phục vụ cho hoạt động kinh doanh của DN sân sau của các nhóm lợi ích.

 

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội (Phát biểu tại hội thảo góp ý HP ngày 19/3 do VCCI tổ chức)

 

Thu Hằng ghi

 

Theo T.Mận
 Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm