“Giếng tiên” Bảy Núi
Vùng Bảy Núi - An Giang có hàng chục “giếng tiên”. Điều kỳ lạ là các giếng này đều nằm trên những đỉnh núi cao chót vót, ăn sâu vào lòng đá nhưng quanh năm đầy ắp nước.
Không bao giờ cạn nước
Núi Ba Thê ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn - An Giang là một trong những nơi có nhiều “giếng tiên” nhất xứ Thất Sơn. Hàng chục năm trước, khi Ba Thê còn là vùng hoang sơ, quanh chân núi đã có nhiều nhà dân sinh sống. Trong một lần lên núi, ông Mai Đức phát hiện trên sườn phía Đông có một giếng đầy ắp nước mát lạnh và trong vắt.
Giếng Chân Tiên trên đỉnh núi Ba Thê quanh năm đầy ắp nước (Ảnh: NLĐ)
Không ai thống kê được vùng Bảy Núi có bao nhiêu “giếng tiên” như vậy, nhưng hầu như trên mỗi ngọn núi đều có một vài giếng mà người dân vô tình phát hiện được. Đỉnh núi Két ở thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên - An Giang cũng có một “giếng tiên” trên phiến đá cao nhất.
“Thấy giếng nằm trên một phiến đá cheo leo mà lại có nước ngọt và nhiều người tới viếng, nên tôi đã làm hàng rào bảo vệ an toàn cho khách” - ông Nguyễn Văn Sơn, sống trên đỉnh núi Két, cho biết. “Giếng tiên” này chỉ rộng khoảng 0,5 m, ăn sâu vào lòng đá. Càng ăn sâu, lòng giếng càng nhỏ lại nhưng không biết nước từ đâu cứ dâng lên khi vừa vơi bớt.
Những người thường xuyên đến viếng thăm vùng Thất Sơn không ai có thể bỏ qua núi Dài Năm Giếng, còn gọi là Ngũ Hồ Sơn ở thị trấn Nhà Bàn, đối diện núi Két. Trên 5 đỉnh của núi này ở độ cao hàng trăm mét có 5 giếng nước. Còn ở Núi Cấm tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, khó đếm hết có bao nhiêu “giếng tiên”.
Trong đó, “giếng tiên” dồi dào nguồn nước quanh năm được người dân nhắc đến nhiều nhất là ở vồ Đá Vàng. Giếng Đá Vàng là mạch nước lớn nhất vùng. Từ trong lòng đá, nước cứ dâng đầy. Thấy nguồn nước xanh mát, quanh năm không bao giờ cạn, những người sống trên núi đã xây dựng vách ngăn như một bể chứa để nước không chảy tràn lãng phí.
Nguồn sống cho hàng ngàn hộ dân
Không chỉ cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân trên các ngọn núi cao, những “giếng tiên” này còn là nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng và là nơi giải khát của thú rừng.
Anh Trần Văn Thảo ở ấp Vồ Bà, xã An Hảo trồng hơn 5 ha quýt hồng trên núi Cấm. Nhờ nguồn nước ở giếng Đá Vàng mà vườn nhà anh luôn xanh tốt. Lúc gia đình anh đem giống quýt hồng về trồng trên núi, điều trăn trở nhất là nguồn nước tưới.
Trong một lần đi bẫy thú rừng trên vồ Đá Vàng, anh Thảo lội theo dấu chân heo rừng tìm đến một mạch nước lớn ở đây. Mệt lả người, anh đưa tay hớt một bụm nước uống cho đỡ khát thì thấy nước ngọt lịm. Anh về bàn với cha tìm cách đưa nước về tưới cây trồng ở vườn nhà.
Cũng nước lớn, nước ròng
Ông Nguyễn Văn Đa, ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, khoe với chúng tôi vừa mua được 30 công đất rừng trên vồ Đá Bạc để trồng rau xanh và một vườn xoài. “Nghĩ cũng lạ thật, nước ở đâu không thấy, miễn múc cạn thì một lúc sau lại tự dâng đầy trở lại. Lâu ngày để ý, tôi thấy mực nước trong giếng thay đổi lên xuống theo 2 buổi sáng - chiều trong ngày. Người dân làm rẫy xem đây là cách báo hiệu thời gian để xuống núi. Khi thấy nước lớn, dâng đầy giếng thì mọi người biết đã xế chiều để xuống núi” - ông Đa giải thích. Từ đó, ông Đa theo dõi và nhận thấy “giếng tiên” ở vồ Đá Bạc cũng có nước lớn, nước ròng xoay theo con trăng hằng tháng. |
Theo Quốc Dũng
Người lao động