1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Giếng thần” và hai cây lộc vừng 700 năm tuổi

(Dân trí) - Ở trên đảo cách đất liền hàng cây số, “giếng thần” ở Chùa Ngư (đảo Ngư, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) quanh năm đầy nước ngọt. Nơi đây còn có hai cây “cổ thụ” lộc vừng đã 700 năm tuổi…

Đảo Ngư (còn gọi là Song Ngư Sơn) nằm ở phía Đông, cách khu du lịch thị xã Cửa Lò 4 cây số. Để thờ Phật Thích Ca Quan Âm và Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, chùa Ngư  được hình thành vào thế kỷ 13. Trong khuôn viên chùa trồng 2 cây lộc vừng. Trải qua thời gian, ngôi chùa đã bị phá hủy hoàn toàn nhưng hai cây Lộc Vừng vẫn tồn tại đến ngày nay.

 

“Chúa đảo”, Trung tá Vương Kiếm Cường, cho hay: “Tui đi nhiều nơi nhưng hiếm có nơi nào có hai cây lộc vừng 700 năm tuổi như thế. Càng quý hơn, hai cây này được trồng trước chùa, ở giữa là “giếng thần” khiến cho chùa càng linh thiêng và cổ kính. Ngoài hai cây này, tại đây còn có nhiều cây có niên đại hàng trăm năm tuổi...”.

 

Nói về sự tích cái tên “giếng thần”, Trung tá Vương cho biết, dù giếng ở trên đảo, cách đất liền hàng cây số, cũng được đào không sâu, nhưng giếng rất nhiều nước ngọt, không bao giờ cạn.

 

Người dân trên đảo còn truyền tai nhau những câu chuyện “lạ” về “giếng thần”. Như câu chuyện năm 1972, đế quốc Mỹ thực hiện ném bom hạn chế miền Bắc từ vĩ tuyến 19 trở vào. Đảo Ngư là nơi hứng chịu bom đạn ác liệt nên lượng nước ngọt tiếp tế từ đất liền ra rất hạn chế. Một chiến sĩ quê ở Nghi Quang (Nghi Lộc) đã xuống giếng khơi thêm nguồn nước liền bị đá sập đè chết. Từ đó trở đi, “giếng thần” bị lấp lại.

 

Năm 2003, phải mất hàng tháng trời huy động, các chiến sĩ mới đào lại giếng, giúp “giếng thần” tái sinh. Hiện “giếng thần” đang phục vụ nước sinh hoạt cho 50 chiến sỹ trên đảo. Ngoài ra mỗi lần ra đây khách du lịch còn mang một bình nước của giếng về đất liền với tâm niệm giữ “nước thánh” lấy may.

 

Đặng Nguyên Nghĩa