Giao thông thuận lợi ngày thông xe vành đai 2 gần 10.000 tỷ đồng ở Hà Nội
(Dân trí) - Sáng 11/1, tuyến đường vành đai 2 trị giá gần 10.000 tỷ đồng ở Hà Nội đã chính thức thông xe toàn tuyến sau hơn 4 năm khởi công và xây dựng đoạn còn lại từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.
Sáng 11/1, đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở chính thức thông xe toàn tuyến sau hơn 4 năm khởi công và xây dựng. Tới dự buổi Lễ thông xe có sự góp mặt của lãnh đạo TP Hà Nội, chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan.
Đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có chiều dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở.
Khoảng 7h sáng, các phương tiện bắt đầu được lưu thông hướng cầu Vĩnh Tuy đi Ngã Tư Sở.
Tuy nhiên, chưa có nhiều phương tiện lưu thông trên tuyến đường vành đai 2 trên cao do chưa nhiều người nắm được thông tin, phía bên dưới xảy ra tình trạng ùn nhẹ tại các điểm dừng đèn đỏ.
Ở hướng ngược lại đi cầu Vĩnh Tuy, dù các biển báo đã được hoàn thiện nhưng vẫn chưa cho xe cộ lưu thông. Dự kiến trong buổi chiều nay sau khi hoàn tất công tác hậu cần thì sẽ mở để các phương tiện sẽ đi qua dễ dàng.
Việc lưu thông đường trên cao theo hai chiều riêng biệt và được phân chia bởi dải phân cách cứng. Các xe chỉ được ra, vào đường trên cao ở các đường đầu cầu và nhánh lên xuống tại Ngã Tư Sở; Ngã Tư Vọng; Trần Đại Nghĩa và điểm đầu tuyến tại nút giao cầu Vĩnh Tuy.
Hợp phần đường dưới thấp có quy mô 8-10 làn xe rộng 53,5-63,5m, vỉa hè rộng 4-6m mỗi bên và được lát đá, trồng cây giáng hương. Công trình đường trên cao dài hơn 5km với 4 làn xe dành riêng cho ô tô (rộng 19m), nối liền 4 quận trung tâm là Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân.
Đoạn ngã tư Trần Đại Nghĩa - Đại La được thiết kế rộng ra do chịu tải thêm lối lên và xuống.
Thời điểm 7h30, nút giao 4 tầng đoạn qua ngã 4 Vọng không xảy ra tình trạng ùn tắc, các phương tiện di chuyển dễ dàng, thông thoáng.
Từ 2018, Liên danh Nhà thầu Trung Nam E&C - Trung Chính đã đồng loạt huy động nguồn nhân lực hơn 2.000 công nhân, kỹ sư và gần 150 thiết bị cơ giới các loại để kịp thời triển khai dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Nhánh lên xuống qua Ngã tư Vọng là hạng mục phức tạp nhất với trụ cầu cạn cao nhất Hà Nội. Tại đây độ cao từ nền đường trên cao tới mặt đất khoảng 30m - gấp 1,5 lần so với các trụ cầu của các dự án khác. Trong tương lai, khu vực này sẽ hình thành nút giao 4 tầng xe chạy.
Vách chống ồn và hệ thống biển báo được lắp đặt ở toàn tuyến trên cao. Lực lượng chức năng quy định xe cộ không được quay đầu xe tại đường trên cao, tốc độ khai thác tối đa cho phép trên tuyến chính là 80km/h, tốc độ khai thác tối đa cho phép trên đường dẫn là 60km/h.
Anh Đặng Hoàng Lâm (Long Biên) chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất vui vì tuyến đường này đã được thông xe. Ở những giờ cao điểm các phụ huynh sẽ không phải chờ đợi quá lâu để đưa con tới trường, việc thông xe sẽ giảm ách tắc đáng kể, tiết kiệm được thời gian đi lại, giúp cho công việc thuận lợi, đó cũng là một cách để thúc đẩy nền kinh tế".
Hướng đi từ Ngã Tư Sở về cầu Vĩnh Tuy cũng không xảy ra ùn tắc.
Lối lên tuyến trên cao hướng các phương tiện lưu thông thông thoáng.
Ông Nguyễn Hồ Doãn ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: "Tuyến đường này đi vào hoạt động sẽ giúp giảm bớt áp lực giao thông, cuộc sống người dân được thuận lợi hơn kèm theo đó là giá đất nhà cửa cũng sẽ tăng".
Bà Đoàn Thị Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho hay: "Tuyến đường rất đẹp và hiện đại, sắp tới các nút thắt Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng sẽ không còn ùn tắc nhiều nữa, chúng tôi chờ ngày thông xe này đã lâu lắm rồi".