1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Thông xe vành đai 2 trên cao có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng

Thế Kha

(Dân trí) - Sáng 11/1, UBND TP Hà Nội tổ chức buổi Lễ thông xe tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Dự án có tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức hợp đồng BT là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội giai đoạn 2016-2021 được triển khai trong giai đoạn 2021-2025 đi qua 4 quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai.

Hà Nội: Thông xe vành đai 2 trên cao có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng - 1

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cắt băng thông xe đường vành đai 2 trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở sáng 11/1 (Ảnh: Mạnh Quân).

Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 28/4/2018, với chiều dài trên 5km, có mặt cắt ngang đường trên cao 19m và phần đi bằng (dưới thấp) từ 53,5-63,5m. Tổng mức đầu tư là 9.997 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BT.

Việc triển khai dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP - loại hợp đồng BT) là một hình thức huy động nguồn lực từ nhà đầu tư để xây dựng công trình trở nên hết sức cần thiết, sớm hoàn thành nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường, tạo sự thông suốt, thuận lợi cho người và phương tiện khi lưu thông.

Hơn 4 năm qua, Hà Nội đã nỗ lực triển khai, giải quyết khối lượng rất lớn, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng với chi phí khoảng 6.600 tỷ đồng. UBND các quận có tuyến đường đi qua đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong 2 năm đối với 78 tổ chức, 1854 hộ dân; bố trí tái định cư khoảng 800 hộ (trong đó có 50 hộ nhận nhà còn lại tái định cư bằng tiền), di chuyển rất nhiều các công trình ngầm nổi (điện, nước, viễn thông...) mà không làm gián đoạn khai thác.

"Việc thông xe dự án ngày hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại một trong những tuyến đường vành đai phức tạp, có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn hiện nay", lãnh đạo TP Hà Nội đánh giá.

Ông Bùi Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Trung Nam E&C (đại diện cho liên danh nhà thầu Trung Nam E&C - Trung Chính) khẳng định, ngay sau lễ khởi công năm 2018, liên danh đã đồng loạt huy động hơn 2.000 công nhân kỹ sư và gần 150 thiết bị cơ giới các loại.

"Tiến độ không phải yếu tố duy nhất được chú trọng. Việc đảm bảo lưu thông cho tuyến đường vành đai hiện hữu, cũng như hạn chế tối đa các ảnh hưởng từ quá trình thi công đến người dân là yếu tố khắt khe mà chúng tôi đã đảm bảo được trong suốt thời gian thi công 4 năm vừa qua", ông Hùng cho hay.

Việc áp dụng các công nghệ xây dựng mới cũng là một điểm sáng thi công cho công trình đường vành đai 2 trên cao. Lần đầu tiên, công nghệ đà giáo di động MSS, tuy là công nghệ phức tạp, nhưng đã được liên danh này áp dụng thành công để hoàn thành các mục tiêu thi công của dự án.

Chính vì thế, dự án đạt được sự thành công ngoài mong đợi khi vượt tiến độ hợp đồng 3 tháng, việc giao thông trên trục vành đai 2 hoàn toàn không bị ảnh hưởng.

Được biết, Trung Nam E&C là nhà thầu có bề dày năng lực và kinh nghiệm thực hiện nhiều công trình hạ tầng trọng điểm cấp Quốc Gia như cầu Bạch Đằng nối liền 2 tỉnh Hải Phòng- Quảng Ninh; nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế tại TP Đà Nẵng, Cống Cái Lớn thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) và gần nhất là dự án Cầu Mỹ Thuận 2 tại Vĩnh Long.

Hà Nội: Thông xe vành đai 2 trên cao có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng - 2

Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 28/4/2018, với chiều dài trên 5km, có mặt cắt ngang đường trên cao 19m và phần đi bằng (dưới thấp) từ 53,5-63,5m. Tổng mức đầu tư là 9.997 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BT (Ảnh: Mạnh Quân).

Sau khi công trình thông xe đưa vào khai thác, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố chủ trì cùng các sở chức năng, chuyên ngành phối hợp với nhà đầu tư sớm hoàn thành những nội dung cần hoàn thiện theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Đồng thời tổ chức thực hiện nghiệm thu, quyết toán các hạng mục công trình đã hoàn thành theo quy định.

Sở GTVT Hà Nội được giao phối hợp với Công an Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai theo dõi tình hình giao thông trên các tuyến đường, nút giao trong khu vực ảnh hưởng sau khi công trình thông xe (đặc biệt là tổ chức giao thông nút giao Ngã Tư Sở) để kịp thời có phương án tổ chức giao thông hợp lý đảm bảo an toàn, thuận lợi, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Công an TP Hà Nội phối hợp cùng Sở GTVT nghiên cứu điều chỉnh các pha đèn tín hiệu tại các nút giao thông trên các tuyến đường Trường Chinh - Đại La - Minh Khai, các nút đèn tín hiệu có liên quan cho phù hợp với lưu lượng xe sau khi thông xe dự án đầu tư.