1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nhà sử học Dương Trung Quốc:

“Giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cuộc đấu tranh không đơn giản”

(Dân trí) - Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đánh giá cao những quyết tâm của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, đặc biệt là phát ngôn chấn động về lực lượng công an đứng sau những quán bia, nhưng cũng bày tỏ lo lắng: “Lần này không thành công hoặc để dở dang thì sẽ phản tác dụng”.


Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Việt Hưng)

Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Việt Hưng)

- Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về những phát biểu mới đây của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc việc quản lý, sử dụng vỉa hè ở Thủ đô, đặc biệt là thông tin “trên 180 quán bia chiếm vỉa hè thì có trên 150 quán có bóng dáng của lực lượng công an đứng sau”?

- Nhà sử học Dương Trung Quốc: Những phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung thể hiện quyết tâm thực hiện một mục tiêu đã nhiều lần đặt ra nhưng Hà Nội vẫn chưa thực hiện được đến nơi đến chốn.

Đây cũng là dịp để Hà Nội nhìn nhận lại những hạn chế, yếu kém của nhiệm kỳ trước trong công tác quản lý lòng đường, vỉa hè. Nhưng có thể thấy rằng lấy lại vỉa hè cho người đi bộ có thể coi là cuộc đấu tranh không đơn giản.

Mỗi người có thể bình luận khác nhau, nhưng cá nhân tôi cho rằng phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung là dũng cảm, dám chỉ rõ tiêu cực trong bộ phận của ngành công an - lĩnh vực mà chính ông từng lãnh đạo.

Tôi cũng thấy rõ trong phát biểu đó là quyết tâm trong việc giải quyết câu chuyện vỉa hè ở Hà Nội, chỉ rõ đâu là nguyên nhân, hạn chế. Đó chính là việc thực thi trách nhiệm của các cấp thẩm quyền và cơ quan chức năng.

Tuy nhiên để có thể đạt được mục tiêu bền vững thì giải pháp mạnh là cần thiết nhưng phải tạo ra được hiệu ứng lâu dài, vì nó liên quan đến một hiện tượng diễn ra đến mức độ không thể kéo dài được nữa, đòi hỏi nhiều yếu tố cần quan tâm tới.

- Đó là những vấn đề gì, thưa ông?

- Trước hết tôi cho rằng đó là câu chuyện về pháp lý. Lâu nay chúng ta ít quan tâm tới vỉa hè trong cơ cấu vận động, phát triển của đô thị. Luật Giao thông đường bộ hay các nghị định hướng dẫn đề cập với vỉa hè không rõ ràng, ít thông tin hoặc không đầy đủ nên cần bổ sung đầy đủ, bổ sung ngay.

Đồng thời phải làm thay đổi nhận thức của người dân và cả cấp chính quyền trong việc quản lý, sử dụng vỉa hè. Khi người Pháp quản lý ở Hà Nội ngày xưa, người ta đánh thuế mái hiên, ban công không phải để tận thu ngân sách đâu mà để thể hiện quyền của Nhà nước với không gian kiến trúc. Người dân chỉ có quyền với diện tích trong phần đất của nhà mình mà thôi. Còn bây giờ thì nhiều người ngộ nhận vỉa hè phía trước nhà mình là của mình.


Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm xử lí vi phạm trên vỉa hè, lòng đường

Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm xử lí vi phạm trên vỉa hè, lòng đường

Vỉa hè có công năng của mình, chính quyền địa phương không phải muốn làm gì cũng được. Chính vì thế nên dẫn tới nhiều tiêu cực của chính quyền địa phương trong việc sử dụng, quản lý vỉa hè.

Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng liên quan đến hạ tầng, giao thông tĩnh. Phải khẳng định rằng nhu cầu có chỗ để xe ở đô thị đang rất bức thiết, cần thiết phải tổ chức lại vỉa hè thông thoáng nhưng cũng phải định rõ những khu vực đỗ xe; gia đình sống ở mặt đường cũng phải đưa xe vào trong nhà của mình. Kể cả người đi vãng lai cũng vậy, phải để xe đúng chỗ mới đi trên vỉa hè được. Phải tổ chức dịch vụ hạ tầng cho giao thông tĩnh thật tốt, tạo thói quen đi bộ trong người dân - một thói quen đang bị đánh mất trên đời sống hiện nay.

Rồi chuyện cải tạo vỉa hè cũng phải có quy củ, chứ như hiện nay làm không đúng. Đơn cử như việc làm vỉa hè cứ phải vát thấp xuống mặt đường để xe máy dễ đi lên là không đúng đâu. Muốn lên xuống phải có những khu vực, lối cụ thể chứ không thể tuỳ tiện được. Tôi nói như vậy để thấy giải quyết làm chuyện này phải đồng bộ nhiều vấn đề.

- Trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh, nếu như người đứng đầu UBND các quận, phường, trưởng công an đều thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình thì hoàn toàn có thể xử lý được tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Theo ông, phải chăng lâu nay Hà Nội không có chế tài mạnh xử lý những người này khi địa bàn họ quản lý bị lấn chiếm vỉa hè nghiêm trọng, gây bức xúc?

- Quy trách nhiệm là chuyện rõ rồi nhưng phải có giải pháp thực tiễn, có những cái cưỡng bức, có những cái vận động. Vỉa hè là của chung, của xã hội, sử dụng để đi lại. Nếu đặt ra nhận thức như thế thì người dân sẽ phải tính toán khi mua xe ô tô thì sẽ để ở đâu, phải có chỗ để xe ở đâu thì mới mua; rồi chuyện xây dựng hạ tầng cũng phải tiên đoán trước quá trình phát triển…

Chúng ta không thể lấy vỉa hè nhưng nhà cao tầng vẫn phê duyệt xây dựng, nơi đỗ xe không có, không chịu đầu tư xây dựng. Đây là cả quá trình tích tụ nhiều sai lầm, phải gỡ ra chứ không bằng ý chí duy nhất.

Điều tôi lo lắng nhất là quyết tâm, nhưng lần này không thành công hoặc để dở dang thì sẽ phản tác dụng. Chúng ta phải xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật quản lý sâu sát về chuyện này để thực thi nhưng nếu không thực thi được thì nhờn luật. Mà câu chuyện nhờn luật bây giờ thấy nhiều quá, như việc vượt đèn đỏ ngay giữa Thủ đô vậy, nguy hại về lâu dài, không coi luật ra gì.

- Khi ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ rõ một số “địa chỉ” chống lưng lấn chiếm như vậy ở Thủ đô, theo ông, cơ quan chức năng phải tiếp tục xác định rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan cũng như làm rõ vấn đề “tham nhũng vỉa hè” nếu có?

Khi nói ra những thông tin đó, ông Nguyễn Đức Chung ở cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nắm rất chắc vấn đề vì trước đây ông từng làm Giám đốc Công an Hà Nội. Nói ra vậy là dũng cảm và chắc chắn phải có giải pháp khắc phục triệt để. Tôi cho rằng sự “chống lưng” không chỉ của lực lượng công an, cảnh sát đâu, mà cả chính quyền địa phương nữa.

Tôi nghĩ người có trách nhiệm của Hà Nội đã nói ra những thông tin cho thấy dấu hiệu tích cực để khắc phục những tồn tại.

- Ông có thấy việc thay đổi suy nghĩ của người dân có nhà mặt phố cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ được vỉa hè thông thoáng?

- Vỉa hè không phải của những gia đình có mặt tiền lấn chiếm kinh doanh. Tôi nghĩ rằng bên cạnh việc xác lập những nếp sống mới, khắc phục cả những cái cũ do quản lý không tốt, phải giải quyết đồng bộ chứ nếu chỉ tính đối phó với nhau thì bao giờ nhà nước cũng thua dân.

Tôi lấy câu chuyện Hội An rõ nhất, họ giải quyết tốt vì người dân nhận ra rằng vỉa hè thông thoáng thì mình có lợi, đô thị phát tiển, kinh doanh mở mang thu lợi nên người dân cùng làm, cùng giữ gìn.

Ta nên học người xưa, nhất là quản lý của người Pháp khi xây dựng đô thị buổi đầu ở đây. Luật lệ, lối sống đô thị được xác lập từ rất sớm, không lộn xộn như thế này. Bây giờ phải lồng ghép tất cả những yếu tố, tránh chuyện tư duy nhiệm kỳ để không xảy ra chuyện cái dễ thì làm, khó để đấy cho nhiệm kỳ sau.

- Xin cảm ơn ông!

Công an Hà Nội phải làm rõ “tố giác” tham nhũng vỉa hè

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM cho rằng phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội chính là một thông tin tố giác về tham nhũng vỉa hè, đòi hỏi Công an TP Hà Nội phải tiến hành rà soát, thanh lọc ngay những cán bộ bảo kê, kiếm chác từ việc “đứng sau” các quán bia.

“Đó là những thông tin hoàn toàn có cơ sở thực tiễn vì bản thân ông Nguyễn Đức Chung cũng đã từng làm trong ngành công an Thủ đô. Công an Hà Nội phải kiểm tra, giám sát để chống bằng được chuyện lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà bấy lâu nay còn nẻ nang né tránh, ngại va chạm. Câu chuyện vỉa hè ở TPHCM hay Hà Nội luôn có bóng dáng của lực lượng chức năng bảo kê, tảng lờ vi phạm, hạn chế chuyên môn kiến thức pháp luật. Điều đó cho thấy bộ máy giám sát của các đoàn thể thực sự có vấn đề, nếu lãnh đạo hai thành phố không có những chế tài, quy định xử lý thật nghiêm, không bao che thì sẽ rất khó đạt hiệu quả bền vững, lâu dài”- ông Hậu nói.

Thế Kha (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm