1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Giăng lưới thép quanh chân núi Bà Hỏa chống sạt lở

Doãn Công

(Dân trí) - Lãnh đạo TP Quy Nhơn yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án khắc phục sạt lở mái taluy tại khu vực núi Bà Hỏa, đảm bảo xong trước mùa mưa bão, thường diễn ra vào những tháng cuối năm.

Ngày 25/8, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), cho biết nhà thầu đang bắt đầu thi công khắc phục sự cố sạt lở núi Bà Hỏa qua đoạn đường Nguyễn Tất Thành.

Giăng lưới thép quanh chân núi Bà Hỏa chống sạt lở - 1

Công nhân đang khoan bắn đinh vào núi để khắc phục sạt lở (Ảnh: Doãn Công).

Theo ông Nam, giải pháp thi công chủ yếu là khoan neo, giăng lưới thép; còn phần tẩy, gọt bớt một số đoạn dốc đứng thì không đáng kể.

"Quan trọng nhất là nhập các thiết bị lưới thép, hiện nhà đầu tư đã đăng ký hồ sơ để nhập khẩu. Theo hợp đồng, nhà đầu tư thi công xong trong vòng 3 tháng, tuy nhiên chúng tôi đang thúc tiến độ thi công, quyết tâm khắc phục xong điểm sạt lở này trước mùa mưa", ông Nam nói.

Giăng lưới thép quanh chân núi Bà Hỏa chống sạt lở - 2

Một bên đường Nguyễn Tất Thành nối dài qua núi Bà Hỏa phải rào chắn gần 2 năm do sạt lở (Ảnh: Doãn Công).

Sự cố sạt lở núi Bà Hỏa, ngay cửa ngõ ra vào TP Quy Nhơn, xảy ra vào 25/10/2021. Nhiều tảng đá từ trên núi lăn xuống đường khiến 3 người bị thương.

Sau sự cố, khu vực sát vách núi Bà Hỏa được rào chắn để đảm bảo an toàn cho người, xe lưu thông. Tuy nhiên, việc chậm khắc phục sạt lở và rào chắn một bên đường đã gây cản trở giao thông khu vực cửa ngõ TP Quy Nhơn, đặc biệt giờ cao điểm thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Vào tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn đối với dự án khắc phục sạt lở mái taluy đường Nguyễn Tất Thành.

Dự án này có kinh phí gần 62 tỷ đồng, do UBND TP Quy Nhơn làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ 2023 đến 2024. Phạm vi gia cố có chiều dài 210m, chiều cao trung bình 30m. Bề mặt taluy được gia cố bằng lưới thép sức kháng cao, neo chặt vào đá núi, sử dụng lưới địa kỹ thuật bằng vật liệu polypropylene.