Quảng Trị:

Gian nan nghiệp “biến đá thành cơm”

(Dân trí) - Những tiếng búa chan chát giáng xuống, phiến đá vỡ ra từng mảng, người thợ bắt đầu đục, đẽo, đo kích thước rồi tiện ra sản phẩm. Cái nghiệp “biến đá thành cơm” xưa nay vốn lắm sự nhọc nhằn, gian truân, nhưng là cứu cánh của biết bao phận người.

Chưa bao giờ cuộc sống của người dân Gio An, Gio Bình, huyện Gio Linh lại tất bật đến như vậy. Khắp các cánh đồng, rừng cao su, đâu cũng nghe thấy tiếng búa đập đá inh tai. Thiên nhiên đã tạo cho vùng đất này trữ lượng đá vô tận đến nỗi đâu cũng thấy đá: trong vườn, ngoài ngõ và cả ngoài đồng… Thế nhưng, để biến đá thành tiền, người nông dân cũng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.

Để có được viên đá thành phẩm, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn
Để có được viên đá thành phẩm, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn

Vã mồ hôi trên từng thớ đá

Một người bạn ở Gio Linh từng nói với tôi: “Người dân Gio An bên cạnh chẻ đá để bán lấy tiền trang trải cuộc sống còn tổ chức thi tài với nhau nữa”. Nhưng thi thố ở đâu? Trong các dịp hội làng, những người chuyên nghề chẻ đá sẽ thi xem ai chẻ đá nhanh hơn, đẹp hơn”.

Tò mò về câu chuyện thi tài chẻ đá, chúng tôi quyết định tìm đến Gio An để tận mắt kiểm chứng thực hư những gì người bạn nói. Dù không gặp đúng dịp các nghệ nhân thi tài chẻ đá, nhưng thấy công việc thường ngày họ đang làm cũng đủ biết tài năng của họ “siêu hạng” đến đâu.

Dưới cái nắng như “đỏ lửa”, gió Lào oi bức đến rát mặt của miền Trung, từng đám bụi đá trắng xoá quyện với khói xe và bụi đường mù mịt, càng làm cho không khí ở các bãi đá thêm ngột ngạt. Thế nhưng, trên các bãi đá, các phu đá vẫn miệt mài với công việc mưu sinh.

Chúng tôi dừng xe tại một bãi đá ven đường, trên đó là một tốp thợ đang hăng say chẻ đá, họ nện búa cành cạch vào những phiến đá tròn. Chốc lát, phiến đá vỡ ra thành từng khối, nhóm thợ này bắt đầu dùng thước đo để ước chừng kích thước, rồi sau đó dùng đục, búa để đẽo đá. Chừng 20 phút sau, một viên đá vuông từng sắc cạnh đã thành hình, chẳng khác gì khuôn đúc. Từng chồng đá vuông vức được làm nên từ bàn tay dẻo dai của những người thợ chất bên đường khiến người ngoài phải thán phục.

Trước sự hiển diện của khách, anh Nguyễn Văn Bồn, ở thôn Tân Văn, xã Gio An, dừng tay búa tiếp chuyện: “Làm nghề này cực lắm chú ơi! Từ sáng sớm tới chiều tối lăn lộn trên bãi đá này cũng chỉ mong kiếm đủ miếng cơm cho gia đình. Ấy vậy mà mỗi ngày cũng chỉ chẻ được tầm 40 viên như thế. Giá mỗi viên người ta đặt chẻ là 5.000 đồng. Xem ra số tiền thu được cũng không đủ bù đắp lại hao phí sức lực đã bỏ ra”.

Ruộng đất không được bao nhiêu, cao su đã gãy đổ gần hết nên anh Bồn phải bám lấy cái nghề chẻ đá để kiếm sống, còn vợ anh phải đi làm thuê cho người ta. Thế nhưng, cuộc sống gia đình cũng hết sức chật vật, “ăn bữa hôm, lo bữa mai”.

Bao nỗi nhọc nhằn trong cái nghiệp chẻ đá mà người thợ phải trải qua
Bao nỗi nhọc nhằn trong cái nghiệp chẻ đá mà người thợ phải trải qua

Còn anh Hồ Ngọc Đinh thì phải lao động miệt mài để nuôi 5 đứa con đang tuổi đi học. Hàng ngày, anh Đinh phải thức khuya, dậy sớm vào bãi đá đục, đẽo. Anh Đinh tâm sự: “Cũng vì không có nghề mô nữa mới bám lấy việc chẻ đá chứ anh coi đó, dầm nắng cả ngày, mồ hôi, bụi bẩn lấm lem nhưng thu nhập có đáng bao nhiêu đâu. May chăng ông trời thương cho phận nghèo hèn, ít đau ốm chứ hễ vào viện cũng không đủ chi phí thuốc thang. Ngày mưa thì làm vườn, ngày nắng thì chẻ đá mà không đủ nuôi cho mấy đứa con đi học”.

Theo anh Đinh, anh Bồn, hầu hết những người chẻ đá ở đây chủ yếu là người dân địa phương. Người có thâm niên ít nhất với nghề này cũng dăm đến bảy năm, có người lúc còn thanh niên đã bám lấy đá để sinh sống. Có lẽ, cái nghiệp chẻ đá đã “vận vào lưng, ăn sâu vào máu” những người nông dân vùng này rồi.

Anh Nguyễn Nam, ở thôn Tân Văn, người đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề cho biết: “Ngoài việc chọn được những viên đá “đẹp”, người thợ chẻ đá phải am hiểu tường tận đặc tính của từng khối đá mới tìm ra được những vị trí dễ chẻ nhất trên thân đá để khi dùng búa, ve tác động thì viên đá mới từ từ tách ra từng khối nhỏ. Nhìn những viên đá vô tri là vậy nhưng cần phải khéo léo, cần cù mới “nhào nặn” ra được thành phẩm, nếu làm ẩu thì xem như công sức mình bỏ ra trở thành công cốc”.

Để có được viên đá vuông vức, đúng yêu cầu, người thợ phải tỉ mẩn trong từng khâu
Để có được viên đá vuông vức, đúng yêu cầu, người thợ phải tỉ mẩn trong từng khâu

Hầu hết đá ở vùng này chủ yếu là đá xanh, được dùng phổ biến trong xây dựng các công trình lăng mộ, tường rào, móng nhà. Người dân địa phương hay truyền tai nhau câu nói cửa miệng “gan Mai Xá, đá Hảo Sơn” để nói về độ chắc chắn, chất lượng đá ở đây so với các vùng khác. Cũng chính vì vậy mà đá ở đây được mọi người ưa chuộng, tiêu thụ rất nhanh, thợ chẻ ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Gặp những lúc đá khan hiếm, khách hàng phải đặt hàng tháng trời mới có đá để cung cấp.

Truân chuyên nghề đá

Để tiện ra được phiến đá, giá trị của nó chỉ là 5.000 đồng, nhưng người thợ phải hao tốn biết bao sức lực. Mồ hôi, máu và lắm lúc có cả nước mắt của những người thợ làm nghề chẻ đá. Những vết thương do các mảnh đá nhỏ trong khi chẻ bay trúng vào cơ thể người thợ là điều quá bình thường. Còn chuyện bẹp ngón tay, ngón chân, thậm chí gãy chân cũng rất dễ xảy ra. Sau những tai nạn đó, họ vẫn gắn bó với cái nghiệp bởi đây là cứu cánh mưu sinh của bao gia đình.

Theo nhiều thợ chẻ đá lâu năm, ngoài những nguy hiểm bên ngoài, có thể nhìn thấy được thì người trong nghề cũng thường mắc phải các bệnh về đường hồ hấp như viêm phổi, viêm xoang...do ngày ngày hít phải bụi đá, nhưng dụng cụ bảo hộ lao động lại quá sơ sài.

Mỗi lần dùng búa đập, đục, ve cắm vào đá là tấm khẩu trang trên mặt anh Trần Văn Phong lại bám đầy bụi. Bụi đá bám vào từng dòng mồ hôi khiến khuôn mặt lấm lem trông càng thêm khắc khổ. Anh Phong kể: “Ngày trước chẻ chưa quen nên đôi tay phỏng rộp hết cả, không cầm, nắm được vật gì hết. Không những thế, lắm lúc búa không đập trúng ve mà nện thẳng xuống bàn tay, máu me tứa ra. Dần dần rồi cũng quen, bởi không làm thì không biết lấy chi mà sống, rồi còn phải cho con cái đi học. Cứ mỗi lần nghe con xin tiền nộp, mình cũng phải cật lực làm thêm. Làm nghề này cũng khổ cực đủ đường chứ không đơn giản đâu”.

Anh Trần Văn Thi, ở Hảo Sơn tiếp lời: “Ăn trên đá, sống nhờ đá riết rồi thành quen, biết là ô nhiễm vì hằng ngày dầm mình trong bụi bẩn, tiếng ồn nhức óc đinh tai, nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải “bấm bụng” mà làm. Đã mang cái nghiệp phu chẻ đá vào thân rồi cực nhọc mấy cũng vắt sức ra mà kiếm cơm thôi, thu nhập thì cũng chẳng khấm khá hơn các nghề khác đâu. Thời buồi bây giờ, chuyện mưu sinh ngày càng khốn khó”.

Trời càng về trưa, không khí càng trở nên ngột ngạt nhưng các thợ vẫn cặm cụi bên những phiến đá. Tiếng búa, tiếng ve, tiếng đục vẫn cứ vang lên trong sự nhọc nhằn của các phu đá. Tôi chợt nghĩ đến lời nói của anh Phong: “Làm nghề này cũng bạc lắm, còn khỏe thì còn chẻ, cũng vì miếng cơm, manh áo chứ không còn cách nào khác nữa. Đã bám lấy nghiệp thì cũng phải theo…”.

Đăng Đức