1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giảm thuế, dân vẫn “oằn lưng” gánh giá!

(Dân trí) - Đúng như dự đoán, vấn đề tăng giá đã là chủ đề chính, nóng bỏng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh. Những vấn đề liên quan đến sai phạm tại đề án 112 cũng được chất vấn gay gắt với nhiều lần "đứng lên, ngồi xuống" của các đại biểu.

Người sản xuất hưởng lợi, còn người dân…

“Những nước xung quanh chúng ta như Trung Quốc, Thái Lan cũng phải chịu sức ép tăng giá nguyên liệu trên thế giới nhưng CPI của họ chỉ 4-5%. Có phải do chúng ta quá chủ quan hay do sức miễn dịch của nền kinh tế chúng ta quá kém?” Đại biểu Trần Văn Kiệt (đoàn Vĩnh Long) nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng “có thể” chúng ta dự báo không hết và nguyên nhân là giá cả đầu năm không cao nhưng lại tăng cao vào cuối năm. Thậm chí, cuối tháng 8, tháng 9 các chuyên gia dự báo giá dầu không vượt 70 USD/thùng nhưng thực tế giá dầu có lúc đã lên đến gần 100 USD/thùng...

So sánh với các nước bạn, Bộ trưởng Ninh phân tích, Trung Quốc dự tính CPI cả năm là 4,5%, nhưng 10 tháng đầu năm CPI đã lên đến 6,5%, trong khi năm 2006, CPI của họ chỉ là 1,5%.

Đại biểu Vũ Tiến Trung nêu vấn đề, nhiều doanh nghiệp được giảm thuế nhưng vẫn không giảm giá, Bộ có thu hồi phần “chênh” và xử lí những doanh nghiệp này. Ông Trung so sánh, Việt Nam đã giảm thuế ô tô xuống mức 60%, trong khi thuế của Lào, Campuchia ở mức 42%, nhưng giá xe của họ chỉ bằng nửa của chúng ta.

Giảm thuế, dân vẫn “oằn lưng” gánh giá! - 1
  

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh.

Bộ trưởng Ninh “thanh minh”, Bộ đã có chỉ đạo sau khi thực hiện giảm thuế, đã phát hiện và xử lí theo Pháp lệnh giá một số trường hợp, thu hồi phần thu lợi từ không giảm giá đối với 3 trường hợp!

Về giá ô tô, ông Ninh cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các ngành cùng đánh giá lại chính sách ô tô. Vừa rồi, nhu cầu ô tô trong nước tăng cao và Bộ cũng đã giảm thuế ô tô nguyên chiếc. Các hãng ô tô trong nước cũng đã cam kết giảm giá, như Mercedes thực hiện giảm 6.000 USD/ chiếc.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) “thắc mắc”, tại sao không giảm thuế những mặt hàng “mắm muối”, phân bón… liên quan trực tiếp đến 60-70 triệu người là nông dân vì có mấy người có điều kiện mỗi sáng dậy được uống một bịch sữa, mua ô tô thì càng xa vời.

Bộ trưởng Ninh lí giải ngắn gọn, trong 18 mặt hàng giảm thuế có giảm những mặt hàng liên quan đến người nông dân như thức ăn gia súc, lương thực, thực phẩm.

Đại biểu Phạm Thị Hòa (An Giang) xoáy sâu hơn vào vấn đề: Các giải pháp của Chính phủ đưa ra chưa hiệu quả đối với người tiêu dùng, chỉ có lợi cho nhà sản xuất và nhà nhập khẩu?

Đáp lại, ông Ninh cho biết, Thủ tướng chỉ đạo, tới đây sẽ thực hiện những hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, thay vì hỗ trợ gián tiếp như hiện nay. Theo ông Ninh, việc hỗ trợ chung, như bao cấp giá dầu thì nhà đầu tư nước ngoài sử dụng đến 40% dầu ma-rút và họ cũng được hưởng lợi lớn - đó là hỗ trợ không trúng.

Tới đây, đối với những vùng không có điện, sẽ thực hiện cấp dầu không cho người dân để thắp sáng. Đối với ngư dân, cũng sẽ thực hiện nhiều hỗ trợ trực tiếp.

“Tôi cũng có thể làm giám đốc kho bạc”

Khá “xông xênh” thời gian chuẩn bị, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời khá chu đáo câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) về trách nhiệm đối với những sai phạm của Bộ trong việc giải ngân khống ở Đề án 112.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa qua thì đúng là có nhiều khoản đã tạm chi dù chưa có sản phẩm, Bộ đã kiểm tra và thu hồi. Bộ trưởng cũng lý giải, kho bạc chi thanh toán trên cơ sở hợp đồng nghiệm thu của Ban điều hành đề án với các chủ đầu tư tham gia.

Ông Ninh cũng “nói đỡ”, kho bạc không tham gia vào hội đồng nghiệm thu, không chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng của các loại thiết bị mua sắm. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, nếu phát hiện sai phạm, lãnh đạo Bộ sẽ chịu trách nhiệm.

Đại biểu Thuyết không “xuôi”. Ông yêu cầu Bộ trưởng Tài chính trả lời thẳng có chuyện giải ngân khống, có việc treo thưởng cho đơn vị nào giải ngân nhanh thì cấp vốn nhiều hay không?.

Bộ trưởng Ninh khẳng định, phương thức kiểm soát chi là của kho bạc. Còn nếu có việc chi khống, thông đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thì kho bạc và Bộ Tài chính cũng không biết được. “Quả thật, chúng tôi chưa phát hiện được có việc giải ngân khống hay không” - ông Ninh hạ giọng.

Đại biểu Thuyết “truy” tiếp: “Tôi thấy Bộ trưởng giải thích về vai trò của kho bạc và Bộ Tài chính còn quá đơn giản. Nếu chỉ xét giữa bên A và bên B đã thoả thuận, thống nhất rồi duyệt chi thì… tôi cũng làm giám đốc kho bạc được”. Ông Thuyết đòi hỏi Bộ Tài chính tự xác định trách nhiệm khi có một Thứ trưởng tham gia Ban điều hành Đề án.

Không “nao núng”, người đứng đầu ngành tài chính đáp: “Ban điều hành có thành viên của một số bộ nhưng họ không quyết định chi tiết, cụ thể từng hạng mục chi tiêu mà điều này thuộc về Trưởng Ban điều hành. Chúng tôi chỉ được chi trên cơ sở chứng từ giữa các bên và nếu họ cố tình gian lận, thông đồng với nhau “gửi giá” trong hợp đồng thì chúng tôi cũng không thể biết được”.

Chuyển sang đề tài sử dụng tài sản công, đại biểu Nguyễn Hoàng Hà (Bình Định) kể ngay câu chuyện dở khóc dở mếu ở địa phương mình. Đợt lũ hoành hành miền Trung cách đây ít ngày, Bình Định lệnh triệu tập lãnh đạo các huyện. Lãnh đạo huyện An Lão đến họp chậm 3 tiếng đồng hồ, hỏi lại thì nhận được câu giải thích: không có xe, phải đi xe đò đến họp vì Bộ Tài chính không cho mua.

Ông Ninh cười mỉm, khẳng định chủ trương hình thành các dịch vụ công sẽ được triển khai trong thời gian tới. Chính phủ cơ bản không cấm mua ô tô mà chỉ cấm việc mua không đúng chức danh và tiêu chuẩn.

Cấn Cường - Phương Thảo