TPHCM:
Giảm kẹt xe: “Cưỡng bức” xe cá nhân, chào mời xe công cộng
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, khu vực trung tâm thành phố nên phát triển xe buýt, xe điện, đồng thời hạn chế xe taxi, xe tải nhẹ… Bên cạnh phát triển tốt giao thông công cộng thì phải làm sao cho người dân thấy được sự bất tiện của xe cá nhân.
GS - TSKH Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM - cho rằng, TPHCM không phát triển đường đô thị được thì phải kiểm soát phương tiện cá nhân.
“Phương tiện cá nhân bao gồm cả xe tải nhẹ, xe taxi. Theo quy hoạch TP có khoảng 12.000 xe taxi, giờ đã hơn 26.000 chiếc gây ùn tắc giao thông. Bài toán giao thông công cộng là xe buýt, metro chứ không phải là taxi. Cứ vin vào phát triển giao thông công cộng rồi cho phát triển gấp đôi xe taxi là không được. Còn xe tải dưới 500 kg thì chạy rất ẩu, gây tai nạn nhiều”, ông Hòa nói.
Về việc chính quyền TPHCM có chủ trương giao cho một doanh nghiệp nghiên cứu đề xuất dự án thu phí xe ô tô vào trung tâm, GS Hòa cũng nêu quan điểm không ủng hộ giải pháp thu phí vào trung tâm để hạn chế kẹt xe.
Theo ông, bài toán kẹt xe là ở cửa ngõ thành phố bị thắt nút, chẳng hạn như đường Cộng Hòa. Còn trung tâm kẹt xe là do phương tiện tăng lên. Ông cho rằng thu phí ô tô vào trung tâm có nhiều bất cập và rất khó thực hiện.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông – TS Phạm Sanh cho rằng việc TPHCM cho tiếp tục nghiên cứu đề án thu phí xe ô tô vào trung tâm cũng là một giải pháp giảm ùn tắc.
“Tuy nhiên, phải nghiên cứu tính toán cẩn thận và phản biện thật rõ tính khả thi cũng như đánh giá hết các mặt tác động ngược chiều. Thế giới thành công cũng có như Singapore, London và thất bại không phải là ít như Hong kong hay nhiều TP ở Mỹ. Theo tôi, cứ chờ phương án cuối cùng của đơn vị nghiên cứu mới đánh giá được”, ông Sanh nói.
TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM – cho rằng có thể cấm xe máy trong khu trung tâm, còn xe ô tô thì khó cấm vì người làm việc trong khu trung tâm có nhu cầu sử dụng ô tô rất nhiều.
Song ông Cương cho rằng, cấm xe máy phải có thời gian và lộ trình phù hợp. Đồng thời, ông kiến nghị phải tìm mọi cách hạn chế ô tô cá nhân vào trung tâm như không xây thêm bãi đỗ, tăng giá giữ xe, phạt nặng xe đậu trên vỉa hè... để người dân tự cân nhắc mà lựa chọn loại hình giao thông khác cho phù hợp.
TS Võ Kim Cương chia sẻ: “Nói thật là nếu không có công việc, người nghèo cũng chẳng mấy ai muốn vào trung tâm; dịch vụ ăn uống thì đắt đỏ, mua sắm cũng không phù hợp. Ở đây chủ yếu là văn phòng, nhân viên cao cấp đi làm và họ có nhu cầu đi ô tô rất nhiều. Họ có tiền thì chi giá cao cho các dịch vụ để được đi ô tô cá nhân. Còn người không đủ điều kiện thì sử dụng các loại hình giao thông công cộng”.
Đánh giá cao mô hình xe buýt điện ở trung tâm TP, TS Cương cho rằng trong tương lai, TP phát triển một số khu vực đi bộ, hạn chế xe máy thì mô hình đi lại trong khu vực trung tâm bằng xe điện, xe buýt, ô tô là phù hợp.
Đồng quan điểm, TS Phạm Sanh cho rằng, đi bộ, đi xe đạp là giải pháp tốt ở một số tuyến đường khu trung tâm. “Chúng ta đang thiếu các quy chuẩn, các điều kiện hạ tầng cho giải pháp hiệu quả này. Hay các giải pháp thân thiện môi trường như xe điện cũng phải khuyến khích”, ông Sanh nói.
Để giảm tình trạng kẹt xe, nhếch nhác ở khu vực trung tâm, GS Nguyễn Trọng Hòa hiến kế nên cho xe vận chuyển hàng hóa vào nhà hàng, trung tâm thương mại; vận chuyển vật liệu xây dựng vào ban đêm để tránh gây kẹt xe, ô nhiễm môi trường.
“Quản lý TP bằng tất cả tấm lòng, sự hiểu biết, khoa học… thì tự nhiên lượng lớn xe không xuất hiện ở trung tâm. Ngoài ra, phải phạt thật nặng xe đỗ sai quy định, xây nhà gửi xe giá cao hơn… Người ta sẽ suy nghĩ nên vào hay không? Phải có cơ chế để đường thông hè thoáng chứ chẳng phải thu phí. Xe máy cũng phải hạn chế trong trung tâm. Chúng ta phải làm từng bước và phù hợp, nhất là phải phát triển giao thông công cộng tốt”, ông Hòa nói.
Ông Hòa dẫn chứng, 2 thành phố Quảng Châu và Thượng Hải (Trung Quốc) đã cấm được xe máy. Quảng Châu thông báo cấm xe máy từ nhiều năm trước, còn Thượng Hải thì phát triển thật tốt giao thông công cộng. Tuy cách làm khác nhau nhưng đạt được hiệu quả. Phải từng bước áp dụng nhiều biện pháp gây “khó khăn” cho xe cá nhân.
“Nhà nước phải chủ động chuyện đó. Bây giờ làm căng vụ vỉa hè thì nhiều người không dám lái xe ra đường. Việc này cũng góp phần giảm kẹt xe. Nhà nước có quyền trong tay thì cứ làm. Phát triển nhanh giao thông công cộng, xe buýt; hạn chế xe cá nhân theo giờ, theo tuyến…. Vừa “cưỡng bức” xe cá nhân, vừa chào mời đi xe công cộng”, ông Hòa thẳng thắn.
Quốc Anh