Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Số F0 có thể lên tới 1.000 ca mỗi ngày

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, trong thời gian tới, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao, có thể dự báo 1.000 ca mắc mỗi ngày; nguy cơ bùng phát dịch rất cao ở 30/30 quận huyện...

Sáng 9/12, Kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XVI tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề, gồm: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và việc triển khai các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố; thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Số F0 có thể lên tới 1.000 ca mỗi ngày - 1

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trả lời chất vấn sáng 9/12 (Ảnh: Xuân Hải).

Y tế cơ sở bộc lộ nhiều hạn chế trong đại dịch

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình đặt câu hỏi, ở giai đoạn từ ngày 11/10, khi thực hiện Nghị quyết 128 thì bình quân mỗi ngày, Hà Nội ghi nhận số ca mắc lên tới 3 con số (170 ca/ngày). Đề nghị Sở Y tế nêu ra dự báo tình dịch Thủ đô trong thời gian tới. Đồng thời, phương pháp phòng chống dịch phải kịp thời thích ứng thế nào, quản lý F1, điều trị quản lý F0 ra sao?

Đại biểu Nguyễn Thanh Nam chất vấn, thời gian vừa qua, công tác phòng chống được thực hiện đánh giá tốt được Chính phủ ghi nhận. Tuy nhiên, dù hệ thống y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng nhưng cũng đã bộc lộ hạn chế về con người, thiết bị… Vì vậy, đại biểu này đề nghị Sở Y tế cho biết sẽ tham mưu giải pháp gì để nâng cao năng lực của y tế cơ sở?

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng đề nghị thành phố cho biết kịch bản sẵn sàng đáp ứng dịch ở cấp độ 4 của thành phố thế nào, khả năng đáp ứng vận chuyển cứu thương của thành phố với kịch bản 100 nghìn ca bệnh ra sao? Bên cạnh đó, Sở Y tế có giải pháp gì để nâng cao chất lượng trả kết quả xét nghiệm bị đánh giá là chậm trễ trong thời gian vừa qua.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong giai đoạn vừa qua, tình hình dịch bệnh rất phức tạp và thời gian gần đây, số ca mắc trên địa bàn thành phố tăng cao (từ ngày 11/10 đến hiện tại).

Sở Y tế thấy rằng, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao có thể dự báo 1.000 ca mắc mỗi ngày trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát dịch rất cao ở 30/30 quận huyện và có thể xuất hiện biến chủng Omicron. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine 2 mũi của thành phố là trên 95% nên dù số ca mắc tăng cao nhưng tất cả đều chỉ có triệu chứng nhẹ.

Lý giải về nguyên nhân ca mắc tăng cao, theo bà Hà là do đặc điểm địa lý của thành phố, sự di biến động phức tạp của người dân, tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine…

"Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết tâm, tập trung, có giải pháp đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân thì chúng ta vẫn kiểm soát được dịch bệnh" - bà Hà khẳng định.

Về biến chủng Omicron, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện trên thế giới chưa có dữ liệu chứng minh biến chủng này có thể gây bệnh nặng hơn các biến chủng khác. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới thì các loại vaccine hiện tại vẫn tạo kháng thể đối với biến chủng này. Phía Sở đã kiến nghị dừng các chuyến bay đến từ quốc gia đang có biến chủng này.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Số F0 có thể lên tới 1.000 ca mỗi ngày - 2

Đã có lúc hệ thống y tế cơ sở quá tải

Về phương pháp, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, theo bà Hà, Sở Y tế đã có giải pháp cụ thể như, các quận huyện đánh giá cấp độ dịch một lần/tuần; ở quy mô nhỏ hơn xã phường thị trấn thì quận huyện dựa trên cấp độ dịch có biện pháp phòng chống dịch tương ứng nhưng không được làm ảnh hưởng đến người dân.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã nâng cao năng lực các tuyến bệnh viện thành phố, quận, huyện và đặc biệt là tuyến cơ sở để người dân tiếp cận dịch vụ từ sớm từ xa, giảm tỷ lệ quá tải tuyến trên; tập huấn kiến thức cho cán bộ y tế để sẵn sàng đáp ứng với điều kiện dịch bệnh; tiếp tục tiêm phòng vaccine cho người dân chưa tiêm đủ 2 mũi và có kế hoạch tiêm mũi 3 theo sự phân bổ của BYT. Thành phố cũng đã thực hiện tiêu chí an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở, kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét nghiệm…

Tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, hệ thống y tế cơ sở có vai trò trụ cột, nòng cốt và điều này đã được chứng minh trong thời gian suốt 2 năm diễn ra dịch bệnh.

"Phải nói y tế cơ sở là tuyến đầu của tuyến đầu. Một trạm y tế chỉ có từ 5-10 cán bộ y tế, kể cả các xã, phường có tỉ lệ dân số rất cao. Đã có lúc dân số cao gây quá tải cho hệ thống y tế. Có thể thừa nhận chất lượng cơ sở y tế cơ sở chưa cao, các trạm y tế cũng xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu… Về giải pháp, Sở sẽ tham mưu về chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế; ứng dụng thêm công nghệ thông tin trong việc quản lý sức khỏe người dân và tham mưu UBND TP thành lập đại học Y khoa để đào tạo thêm nhân lực" - bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, thành phố đã có phương án xây dựng kịch bản có 100 nghìn ca bệnh; hiện đang có 1.000 giường hồi sức cấp cứu và sẽ huy động thêm 1.000 giường nữa để đảm bảo công tác cấp cứu. Bên cạnh đó, tất cả các giường đều lắp đặt hệ thống oxy.

Về năng lực vận chuyển xe cứu thương, Sở Y tế đã giao cho Trung tâm 115 điều phối xe cứu thương trên địa bàn, đồng thời phối hợp với Sở GTVT để đưa doanh nghiệp vận tải tham gia vận chuyển F0, F1. Bên cạnh đó, Sở GTVT đã bố trí xe hành khách để có thể hoán cải thành xe vận chuyển người bệnh khi cần; các trung tâm y tế cũng đã được cung cấp xe cứu thương.

"Về năng lực xét nghiệm của thành phố thì thời gian vừa qua có tình trạng chậm trả mẫu. Sở đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy mẫu trả kết quả kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin; chỉ đạo các đơn vị rà soát trang thiết bị nhân lực và thành phố đã bố trí thêm 12 máy xét nghiệm cho tuyến huyện để nâng cao công tác xét nghiệm. Trong trường hợp cần thiết thì có thể huy động nhân lực, có cơ chế "đặt hàng xét nghiệm" - bà Hà nói.

Tối 8/12, Sở Y tế Hà Nội thông tin trên địa bàn đã phát hiện thêm 709 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 243 ca cộng đồng.

Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 15.255 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 5.847 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 9.408 ca.