1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giám đốc Sở TT&TT Cà Mau nói về việc "để trở thành công dân số"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cho rằng, có 3 vấn đề lớn để hướng tới trở thành công dân số trong sự phát triển chung của xu hướng công nghệ hiện đại.

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau, sáng 11/12, đại biểu đã đặt vấn đề với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh này về việc "để trở thành công dân số thì người dân Cà Mau phải làm những gì, nhất là người dân ở vùng nông thôn điều kiện sống còn khó khăn, thiếu thốn".

Để trở thành công dân số phải làm gì?

Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau Trần Văn Trung cho rằng, công dân số được hiểu là người có thể ứng dụng được các công nghệ thông tin, truyền thông thông minh trong hầu hết các lĩnh vực cuộc sống xã hội.

Giám đốc Sở TTTT Cà Mau nói về việc để trở thành công dân số - 1

Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau Trần Văn Trung thông tin về chuyển đổi số tại kỳ họp (Ảnh: CTV).

Nêu 3 vấn đề lớn cần tập trung để hướng tới trở thành công dân số, theo ông Trung, trước hết người dân cần nâng cao nhận thức về công nghệ số. Người dân phải hiểu rõ lợi ích của việc chuyển đổi số thông qua các kênh khác nhau như hội thảo, mạng, truyền thanh cơ sở,…

"Người dân cần tham gia định danh để tạo ra danh tính số", ông Trung nói và cho biết toàn tỉnh còn nhiều trường hợp chưa định danh mức độ 2. Ông nhấn mạnh, để giao dịch được các thủ tục hành chính, buộc người dân phải định danh mức độ này.

Vấn đề tiếp theo, ông Trung nói, người dân cần mạnh dạn sử dụng, trải nghiệm các dịch vụ số để có thể thấy rõ tiện ích mà các dịch vụ này mang lại. Đồng thời, nâng cao thuần thục hơn nữa các thao tác trong sử dụng công nghệ như dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, điện thoại thông minh để đọc tin tức, trao đổi qua mạng xã hội,…

"Mỗi công dân phải học cách tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình; cẩn trọng trước các đường link (liên kết), đường dẫn lạ, hoặc các yêu cầu giao dịch không đáng tin cậy, cũng như cài đặt phần mềm chống virus tránh trường hợp bị chiếm tài khoản, lừa đảo trên mạng", Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau lưu ý thêm.

Nêu vai trò của ngành quản lý công nghệ thông tin, ông Trung cho biết, Sở TT&TT sẽ phối hợp các đơn vị viễn thông để đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin cho công dân có thể truy cập các dịch vụ số dễ dàng.

Theo ông Trung, việc tắt sóng 2G là một điều kiện thuận tiện để tạo ra công dân số. Sở cùng các nhà mạng phối hợp việc này để hỗ trợ người dân chuyển đổi từ điện thoại 2G sang điện thoại thông minh, từ đây có thể ứng dụng công nghệ số.

"Sở cũng là đầu mối để bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ bị tấn công mạng, gian lận trực tuyến và các hành vi vi phạm khác", ông Trung nói.

Nguồn nhân lực chuyển đổi số ra sao?

Trả lời đại biểu về nguồn nhân lực chuyển đổi số hiện nay, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau Trần Văn Trung thông tin, qua thống kê toàn tỉnh có 135 cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm làm công tác công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước.

Theo ông Trung, khó khăn của tỉnh là thiếu hụt nhân lực chất lượng. Mặc dù có một số cán bộ chuyên trách nhưng số lượng chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trên diện rộng; kỹ năng của một số cán bộ còn yếu, chưa đủ năng lực triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất.

Một số cơ quan cũng chưa bố trí được cán bộ chuyên trách để tham mưu hiệu quả mảng chuyển đổi số nói chung. Theo ông Trung, vấn đề này rất quan trọng vì việc tấn công mạng xảy ra hàng ngày với số lượng càng tăng, phát tán mã độc cũng rất lớn.

Nêu giải pháp phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh tiếp tục đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về công nghệ cho đội ngũ cán bộ; phát triển tổ công nghệ số cộng đồng, coi đây là nguồn nhân lực quan trọng góp phần chuyển đổi số trực tiếp cho người dân;…

Theo lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Cà Mau, 10 năm qua, kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin khoảng 339 tỷ đồng, với 293 dự án (trung bình mỗi năm khoảng 40 tỷ đồng). 

Mục tiêu của tỉnh hết năm 2025 ít nhất mỗi hộ gia đình có một công dân số. Từ đó, lan tỏa ra cả hộ hoặc hỗ trợ các thành viên còn lại thực hiện chuyển đổi số, giao dịch trên môi trường mạng.